Nỗi niềm trước thềm Thông tư 29

Thông tư 29 có hiệu lực từ 14/2 đang gây xôn xao, trăn trở cho các bậc phụ huynh, các em học sinh và cả các thầy, cô giáo trên giảng đường.

Chỉ còn ít ngày nữa, từ 14/2 tới, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức có hiệu lực, với nội dung then chốt là "siết chặt" hoạt động dạy thêm, học thêm của giáo viên và học sinh. Trước thềm quy định mới, nhiều lớp học thêm trên khắp cả nước đã phải tạm dừng, trong bối cảnh kỳ thi chuyển cấp hai, cấp ba quan trọng đang gần kề.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít phụ huynh bày tỏ sự xôn xao, trăn trở trước quy định mới về dạy thêm, học thêm này. "Con tôi luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức từ đầu năm ngoái với mong muốn đỗ vào một trường chuyên có tiếng của tỉnh. Tuy nhiên, việc cô giáo dừng lớp dạy thêm khiến con tôi vô cùng lo lắng, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi cử sắp tới", một phụ huynh chia sẻ.

Nỗi niềm trước thềm Thông tư 29: Giáo viên thiệt thòi, phụ huynh hoang mang (Ảnh minh họa)

Nỗi niềm trước thềm Thông tư 29: Giáo viên thiệt thòi, phụ huynh hoang mang (Ảnh minh họa)

Quan sát của cá nhân cho thấy, tâm trạng lo lắng, bất an của vị phụ huynh này cũng là tâm lý chung của nhiều gia đình có con em chuẩn bị bước vào các kỳ thi chuyển cấp vô cùng quan trọng. Nhiều người cùng chung quan điểm với tôi cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhu cầu học thêm là hoàn toàn chính đáng đối với một bộ phận học sinh, đặc biệt là những em có học lực trung bình hoặc yếu.

Sức học của mỗi người là khác nhau, khả năng tư duy, nhận thức cũng khác. Chẳng hạn với kinh nghiệm khi đi học của tôi, đối với các môn xã hội như toán, vật lý, hóa học, khi giáo viên giảng xong bài và làm 1-2 bài tập mẫu, nếu giáo viên cho một bài tập mới thì tôi nghĩ rằng chỉ một số ít trong lớp là có thể làm được ngay, sau khi giải bài tập thứ nhất và đến bài tập thứ hai thì số người có thể làm được ngay lại tiếp tục giảm thêm nữa.

Cần phải hiểu một điều là 1 tiết dạy chỉ có 45 phút và giáo viên không được "cháy" giáo án. Thế thì nhu cầu học thêm là nhu cầu của những học sinh chưa hiểu bài, chưa hiểu rõ bài và chưa làm được bài; họ cần được hướng dẫn lại. Về cơ bản, trong lớp học thêm, các thầy/cô chỉ hướng dẫn làm thêm bài tập, giảng lại thêm một lần phần bài mà các em chưa hiểu trên lớp, chứ không dạy thêm kiến thức mới, đi trước giáo án. Như vậy học thêm là tích cực, là đáng trân trọng; cớ sao lại cấm đoán?!

Đấy là về phía nhu cầu của các em học sinh, về phía giáo viên, việc "siết" dạy thêm liệu có là đối xử công bằng cho họ như những người làm các ngành, nghề khác không?

Một giáo viên cũng là một cử nhân, kỹ sư cũng phải có đủ bằng cấp về trình độ, chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ (nghiệp vụ sư phạm, lý luận dạy học, tin học, ngoại ngữ...), một dược sỹ, bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư... cũng phải như thế cả.

Vậy thì tại sao một bác sỹ được làm thêm ngoài giờ tại bệnh viện họ đang công tác, hoặc bệnh viện khác hoặc họ tự mở phòng khám riêng... còn giáo viên thì không được làm thêm, sử dụng sức lao động của mình một cách tự do, thoải mái!?

Như vậy xét trên nhiều phương diện việc học thêm là cần thiết và chính đáng, học sinh cần và có nhu cầu học thì ắt sẽ có nơi đáp ứng! Nếu cứ mạnh tay cấm cản ở trường thì cha mẹ sẽ thuê giáo viên về nhà dạy nếu con họ học yếu (thực tế có rất nhiều người đã thuê giáo viên dạy kèm tại nhà).

Hoa Đông

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/noi-niem-truoc-them-thong-tu-29-372984.html
Zalo