Nỗi niềm người xa xứ

Cho dù sống ở miền đất nào trên thế giới, làm nghề gì và có kinh nghiệm sống bao năm, lòng người Việt vẫn cứ chùng xuống da diết mỗi dịp giao mùa, giao thời và giai đoạn chuyển biến trong cuộc đời. Người con xa xứ muốn sum họp với gia đình, họ hàng, bạn bè để ăn cho thỏa các món ăn quê nhà, đi trên những con phố quen, ngắm những cảnh đẹp vẫn thường nhung nhớ...

Có nhiều người Việt chọn quay về sống những năm tháng hưu trí ở quê nhà, thậm chí còn rủ cả bạn người nước ngoài chọn sống ở Việt Nam khi về hưu. Thật lý tưởng nếu thời điểm mùa thu đông, kiều bào sẽ sống ở miền nhiệt đới nhiều nắng; mùa xuân hè lại quay lại châu Âu, Mỹ.

Hệ thống nhà nghỉ homestay, căn hộ dịch vụ đa dạng theo nhu cầu đang trải khắp các miền đất Việt. Người ta chỉ cần kéo vali đến ở, mọi trang thiết bị đầy đủ cho một cuộc sống tiện nghi đã có đủ trong căn hộ. Việt kiều và bạn bè nước ngoài của họ có thể tự đi chợ chọn thức ăn tươi mỗi ngày, trò chuyện giao lưu với bà con lối xóm dân địa phương, nấu các món ăn theo ý thích.

Cuộc sống êm đềm và tốn ít chi phí ở một vùng đất tuy quen mà lạ, tuy lạ mà quen. Người thích chu du thay đổi khung cảnh thì vài tuần ở nơi biển ấm này, vài tuần tại miền núi nọ, lúc lại qua vùng trung du, khi lên cao nguyên rồi lại xuống đồng bằng...

Các lựa chọn rất phong phú và tiện đặt nơi lưu trú dài hạn trên các ứng dụng cả của Việt Nam và nước ngoài, thậm chí qua mạng xã hội. Tất nhiên, bà con cũng cần đề phòng các trang đặt phòng giả mạo lừa lấy tiền cọc hoặc thậm chí lừa đảo số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

 Thế hệ kiều bào F1, F2 ở Anh náo nức về Việt Nam thăm quê. Ảnh: Trang Serban (London, Anh)

Thế hệ kiều bào F1, F2 ở Anh náo nức về Việt Nam thăm quê. Ảnh: Trang Serban (London, Anh)

Một số người lớn tuổi gốc Việt khi về cố hương sống cùng con cháu lại chọn các sinh hoạt câu lạc bộ ban ngày, đến các cơ sở chăm sóc người cao tuổi cùng giao lưu với những người cùng lứa tuổi để cuộc sống bớt nhàm chán vô vị, ăn các bữa ăn đủ dinh dưỡng do trung tâm cung cấp và tối thì về nhà. So với chi phí cuộc sống ở các nước phương Tây thì kiều bào mang lương hưu ở xứ người về Việt Nam chi tiêu vẫn còn dư dả, mà lại được đi đó đi đây, thêm trải nghiệm.

Bà Trần Thị B. (ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trăn trở nhiều tháng trước khi quyết định về Hà Nội sống cùng gia đình con gái duy nhất. Bà lo lắng khi không còn sống trong căn hộ quen thuộc ở Đức với nếp sinh hoạt gần 40 năm, lo nhịp sống của mình và con cháu bị đảo lộn... Sống chung là điều không hề dễ dàng, nhưng cũng là điều cần thiết, nhất là với người lớn tuổi và đã xa quê lâu năm.

Với bà B., bà đã thực sự đoàn tụ với gia đình, họ hàng sau hàng chục năm quen cảnh châu Âu. Bà đã chán những bữa ăn dọn ra trệu trạo nhai một mình, những tâm sự, cảm xúc chất chứa trong lòng không chia sẻ được cùng ai. Giờ đây, quê nhà cho bà B. cũng như nhiều kiều bào các trải nghiệm cả vui lẫn buồn, trên hết là sự ấm áp, đùm bọc, yêu thương.

Nhưng ngược lại, cũng có những người chọn ra nước ngoài sống cùng con cháu khi người thân của họ quá bận rộn với công việc, sự nghiệp ở xứ người. Rồi thế hệ kiều bào F2, F3 ngày một khôn lớn trưởng thành, những lớp ông bà, bố mẹ đến ngày giã biệt cuộc đời lại được con cháu chôn cất ở nước ngoài để hậu bối tiện thăm viếng mộ phần.

Có đôi vợ chồng bác sĩ nhi khoa được con gái đưa sang Đức sống, sau 11 năm trên ngôi nhà miền thảo nguyên xanh mướt nay họ đã lại nằm cạnh nhau, vẫn kề bên nhau ở bên kia thế giới. Ngày cụ bà thọ 90 tuổi được đặt mộ nằm cạnh cụ ông 97 tuổi, tuyết trắng rơi như hoa bay khắp trời, cảnh diễm lệ cho bối cảnh đám tang buồn nhưng không thê lương. Người con gái cả 65 tuổi mãn nguyện đưa tiễn mẹ đến với bố, câu chuyện tình yêu và nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình ấm cúng chan hòa khiến tất cả mọi người dự lễ tang đều xúc động.

Ở nước ngoài hay quay về cố hương những năm tháng cuối đời đều là lựa chọn tốt của người Việt xa quê. Chọn sống ở đâu cũng đều là sum họp và trong tâm mỗi người luôn có hai chữ: Việt Nam!

MINH LÝ (từ CHLB Đức)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-niem-nguoi-xa-xu-post783065.html
Zalo