Nỗi niềm bác sĩ suýt bị người nhà bệnh nhân tấn công sau cấp cứu trẻ sơ sinh

Trong lúc giải thích tình trạng bệnh nhi sau cấp cứu nội khí quản, nam bác sĩ bị người nhà lao vào định dùng kéo hành hung.

Tháng 8/2024, khi đang thăm khám bệnh nhi tại khoa Nhi của một bệnh viện tư ở Đồng Tháp, bác sĩ N.T, 32 tuổi, nhận được cuộc gọi hội chẩn từ khoa Sản. Vội vã rời phòng khám, anh chạy thẳng lên khu vực phòng sinh. Tại đây, một bé vừa chào đời trong tình trạng tím tái, không phản xạ. Nhận định tình trạng nguy kịch, bác sĩ T. lập tức đặt nội khí quản cấp cứu cho bé.

Sau khi cố định đường thở, bác sĩ dành thời gian giải thích tình hình cho người nhà sản phụ. Anh thông báo bé cần chuyển tuyến trên càng sớm càng tốt để tiếp tục điều trị chuyên sâu. Lời giải thích vừa dứt, cha của bé lớn tiếng quát mắng. Ông ta cho rằng bệnh viện tắc trách, để con rơi vào nguy kịch.

Bác sĩ tiếp tục động viên người nhà phối hợp chuyển viện, người cha này bất ngờ bỏ ra ngoài, rồi quay lại với chiếc kéo trong tay. Ông ta lao thẳng về phía bác sĩ với ý định tấn công. “Ông ấy hung hăng, miệng la hét, khiến cả ê-kíp trong phòng sinh hoảng hốt”, nam bác sĩ nhớ lại.

Hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho người bệnh là "không thể chấp nhận". (Ảnh minh họa)

Hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho người bệnh là "không thể chấp nhận". (Ảnh minh họa)

May mắn, hành động của người đàn ông bị một số nhân viên y tế và người nhà can ngăn. Dù vậy, ông này tiếp tục hăm dọa: "Nếu con tôi có chuyện gì, tôi sẽ quay lại tính sổ".

Giữa lúc hỗn loạn, nam bác sĩ cố giữ bình tĩnh, tiếp tục trấn an gia đình bệnh nhi và phối hợp cùng ê-kíp chuyển bé lên tuyến trên.

Sau sự việc, dù không bị thương tích, nhưng bác sĩ T. vẫn mang trong lòng nỗi buồn khó nguôi. Anh không thấy sợ hãi vì tin đã làm đúng chuyên môn, hành động hết trách nhiệm để cứu bé, nhưng điều trăn trở chính là cảm giác nỗ lực cứu người không được thấu hiểu, thậm chí bị đối xử bất công.

"Tôi chỉ mong muốn người nhà bệnh nhân hiểu rằng, khi đến bệnh viện, được bác sĩ điều trị, chúng tôi đều cố gắng làm hết sức. Đôi khi kết quả không như ý, nhưng đó không phải vì sự tắc trách hay thiếu trách nhiệm", anh T. nói.

Theo các chuyên gia y tế, hành hung bác sĩ không chỉ đe dọa an toàn tính mạng nhân viên y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình cấp cứu bệnh nhân. Bác sĩ bị đe dọa, bị tấn công, tâm lý bất an có thể khiến các quyết định chuyên môn bị ảnh hưởng, gây nguy hiểm cho chính người bệnh.

Tình trạng bác sĩ bị tấn công khi làm nhiệm vụ nhiều lần xảy ra, từ các bệnh viện lớn ở TP.HCM, Hà Nội cho tới những cơ sở y tế ở tỉnh, thành. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hàng chục vụ bạo hành nhân viên y tế được ghi nhận.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 2024 siết chặt chế tài với hành vi bạo hành nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho biết điều họ mong muốn hơn cả không chỉ là sự bảo vệ bằng pháp luật, mà còn là sự thấu hiểu, sẻ chia từ phía người bệnh và người nhà.

"Bác sĩ cũng là con người, cũng có gia đình, cũng biết buồn, biết đau. Chúng tôi luôn nỗ lực cứu chữa bằng tất cả kiến thức và lương tâm nghề nghiệp, nhưng để cứu được một mạng người, chỉ nỗ lực của bác sĩ thôi là không đủ. Rất cần sự hợp tác và niềm tin từ thân nhân bệnh nhân", nam bác sĩ bày tỏ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nạn bạo hành y bác sĩ diễn ra trên toàn cầu, chủ yếu do bệnh nhân cùng người nhà gây ra. Nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế như tuyển thêm nhân viên an ninh, theo dõi camera, hạn chế số lượng khách đến thăm người bệnh...

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho người bệnh là vô ơn, không thể chấp nhận. Hành vi này vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến môi trường khám chữa bệnh.

Về mặt pháp lý, nếu người nhà bệnh nhân dùng kéo, dao tấn công bác sĩ vào vùng hiểm yếu nhưng bác sĩ tránh được, cơ quan điều tra có thể khởi tố về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 Bộ luật Hình sự. Nếu hành vi không nhằm mục đích giết người và không khiến bác sĩ lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, đối tượng có thể bị xử lý về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318.

Còn hành vi gây rối ở nơi công cộng, đặc biệt tại bệnh viện, đe dọa tính mạng người khác có thể bị phạt tù tới 7 năm nếu dùng vũ khí, hung khí.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/noi-niem-bac-si-suyt-bi-nguoi-nha-benh-nhan-tan-cong-sau-cap-cuu-tre-so-sinh-ar940395.html
Zalo