5 trường hợp bác sĩ được quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân

Sự việc các y, bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhi bị người nhà gào thét, dùng lời lẽ công kích, chửi bậy thậm chí đạp vào bụng khiến cộng đồng bức xúc. Nhiều người băn khoăn, khi nào thầy thuốc có quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân.

Mới đây, ê-kíp thầy thuốc ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) trong khi đang nỗ lực ép tim, cấp cứu cho trẻ bị sốc phản vệ do thuốc, người nhà đứng quanh giường bệnh, liên tục kêu gào, dùng lời lẽ miệt thị, công kích, chửi bậy. Thậm chí, một nam điều dưỡng còn bị một đối tượng đạp vào bụng.

Dù vậy, các nhân viên y tế vẫn cứu thành công em bé. Sau khoảng 3 phút, tim của bé trai đã đập trở lại. 5 phút sau, bệnh nhân đã tỉnh, gọi hỏi biết, huyết áp ổn định. Sau 20 phút, bệnh nhi tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường.

Nam điều dưỡng viên cúi khom lưng sau khi bị một đối tượng đạp vào bụng. Ảnh cắt từ clip

Nam điều dưỡng viên cúi khom lưng sau khi bị một đối tượng đạp vào bụng. Ảnh cắt từ clip

Sự việc khiến cộng đồng y khoa và người dân rất bức xúc. Hiện cơ sở y tế này đã mời lực lượng Công an đến xác minh, làm rõ vụ việc.

Khi nào thầy thuốc có quyền từ chối khám chữa bệnh?

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2024 nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền của người bệnh; từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh... Tuy nhiên, thầy thuốc cũng có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong 5 trường hợp sau đây:

- Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác phù hợp để khám chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khác.

- Việc khám chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

- Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.

- Người bệnh yêu cầu phương pháp khám chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.

- Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 15 của Luật này (liên quan người bệnh là người thành niên và thanh niên rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự) không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Thầy thuốc được phép tạm rời khỏi nơi làm việc khi bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), 70% đối tượng bị tấn công trong các vụ mất an ninh, trật tự tại bệnh viện là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 60% vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh; 30% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh và thân nhân.

Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%).

Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Điều 43 quy định rõ thầy thuốc được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng; Được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng. Việc "tạm rời" này phải được báo cáo ngay với người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Các bác sĩ khu vực cấp cứu là nơi thường xuyên đối mặt nguy cơ, áp lực bị người nhà bệnh nhân hay các đối tượng gây gổ, đe dọa tấn công hay hành hung.

Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Cao Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ), khi đang tập trung cấp cứu, nếu nhân viên y tế quay lại đôi co, đưa người nhà bệnh nhi ra ngoài thì rất mất thời gian, sẽ bỏ thời cơ vàng để cứu sống trẻ.

"Kể cả nếu chúng tôi có bị đánh thì vẫn không thể đôi co với người nhà bệnh nhân, phải tập trung cấp cứu, không thể bỏ đi", bác sĩ Hưng cho biết. Thực tế, nam điều dưỡng viên dù bị đạp vào bụng gây đau, phải dừng lại ôm bụng nhưng vài giây sau vẫn tiếp tục đi lấy dụng cụ cấp cứu cho cháu bé.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-truong-hop-bac-si-duoc-quyen-tu-choi-kham-chua-cho-benh-nhan-2395859.html
Zalo