Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng
Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.
Những ngày đầu tháng 4, ông Dương Thanh Hải (Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc), nguyên Thuyền trưởng Ðại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 962, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Ngọc Hiển, cùng các nhân chứng lịch sử từng tham gia Trung đoàn 962, các bạn đoàn viên, thanh niên thị trấn Rạch Gốc đến tham quan, ôn lại truyền thống tại Di tích Bến Vàm Lũng. Nhìn tượng đài, tượng tạc các anh hùng điều khiển Ðoàn tàu Không số với ánh mắt hiên ngang tiến về phía trước, đến các bức phù điêu khắc họa hoạt động vận chuyển vũ khí, đánh tàu, rồi những hình ảnh tư liệu quý giá về quá trình hình thành và hoạt động của Ðoàn tàu Không số, hành trình mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vượt biển mở đường ra Bắc; hoạt động của Trung đoàn 962 anh hùng... tất cả gợi lại những ký ức hào hùng, cảm xúc dâng trào trong lòng các cô chú trực tiếp tham gia chiến trường khốc liệt ngày ấy. Còn với các bạn trẻ, đó là cảm xúc khâm phục, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công lao làm nên giá trị lịch sử vẻ vang này.

Theo Trung úy Dương Thanh Hải, vì quê hương thân yêu, các chiến sĩ Ðoàn 962 luôn vững vàng tay lái, chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Ngày trước, ông Dương Thanh Hải từng được phân công nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vũ khí và trực tiếp tham gia những trận đánh tàu khốc liệt bảo vệ Bến Vàm Lũng. Ông Hải nhớ lại, năm 17 tuổi (năm 1969), ông trốn gia đình tham gia cách mạng tại Ðoàn 962 (thành lập ngày 19/9/1962), địa bàn hoạt động từ vùng duyên hải Cà Mau đến Bà Rịa, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục. Ðơn vị có 3 nhiệm vụ chính, là xây dựng các bến bãi, kho tàng; đón nhận, cất giữ vũ khí; giao hàng cho các đơn vị thuộc chiến trường Nam Bộ.
Ngày ấy, quân địch với lực lượng hùng hậu và vũ khí tối tân, chúng thường xuyên mở chiến dịch càn quét, rải chất độc hóa học thiêu trụi các cánh rừng. Trong tình thế máy bay địch trên đầu, tàu quân thù trước mặt, ấy vậy mà suốt hơn 10 năm làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí, Bến Vàm Lũng vẫn nằm ẩn mình bí mật giữa rừng. "Trong ngần ấy năm, tôi nhớ nhất là lần 11 chiếc tàu địch cùng lúc vào cửa Rạch Gốc và Hóc Năng. Tôi cùng với đồng đội đánh chìm 4 tàu và hất 1 chiếc văng lên bờ, vào năm 1969. Trận ấy chiến thắng, song cũng có nhiều mất mát. Tự hào là ta đã bảo vệ an toàn cơ sở của Ðoàn 962, trong đó có kho chứa vũ khí, bến bãi tiếp nhận từ Ðoàn tàu Không số, nằm liền kề cửa Vàm Lũng, bẻ gãy kế hoạch càn quét của quân thù", ông Dương Thanh Hải kể.
Thương binh 3/4 Tiết Văn Thẹo (Bảy Thẹo, 78 tuổi), nguyên Chính trị viên Ðại đội săn tàu, Ðoàn 962, nhớ lại: "Ngày 11/11/1967, khi ấy khoảng 20 tuổi, tôi tham gia chiến sĩ tiền tiêu, phụ trách canh trên vọng gác (đóng trên cây đước), tại vàm Kiến Vàng, xã Tân Ân, quan sát, nắm bắt tình hình tàu địch chạy như thế nào, sau đó báo cáo về trên, chọn thời cơ thích hợp cho tàu ta di chuyển an toàn. Trận đánh ngày 12/4/1969 tại vịnh Bà Tổng, sông Rạch Gốc ta thắng lớn, đánh chìm 4 tàu địch, trong lúc di chuyển về đơn vị thì tôi bị đạn của địch bắn trúng cánh tay...".
"Nay nhìn lại hình ảnh đồng chí, đồng đội, rất nhớ, nhất là anh em đồng đội đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập dân tộc, cùng tình cảm yêu thương, che chở của Nhân dân, bảo vệ căn cứ an toàn đến ngày hòa bình. Nơi đây giờ trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt, chúng tôi rất phấn khởi, đây là sự tri ân sâu sắc đối với những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho hòa bình, độc lập hôm nay", ông Tiết Văn Thẹo chia sẻ.
Bà Văn Thu Hà, sinh năm 1953, từng làm giao liên đơn vị Ðoàn 962, phụ trách quân trang, vận chuyển vũ khí, nhớ lại: "Xưa chuyển vũ khí bằng xuồng be mười, 1 ghe 2 người phụ trách, thường chọn thời điểm ban đêm để đi, từ cửa Bồ Ðề lên đến cửa biển Giá Lồng Ðèn. Nhớ những lần gặp máy bay địch thả bom, bắn tỉa, chị em nhanh chóng ngụy trang, giấu ghe dưới cánh rừng, cụm lá và đào đất để ẩn nấp. Nguy hiểm lắm, nhưng với lòng yêu quê hương, sự căm thù quân xâm lược đã giúp chị em vượt qua mọi gian nan, vất vả".
"Nay về thăm Di tích Bến Vàm Lũng, nhìn cảnh cũ người xưa, lòng nghẹn ngào, nghĩ lại mình vẫn còn may mắn vì giữ được mạng sống, khỏe mạnh cùng gia đình, con cháu, được Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm chăm lo tốt", bà Văn Thu Hà bộc bạch.

Các cô chú từng tham gia Ðoàn 962 ôn lại truyền thống cho các bạn đoàn viên, thanh niên Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc.
Từ trong gian khổ đấu tranh, đã có biết bao tấm gương quên mình. Tên tuổi và việc làm của họ đã trở thành huyền thoại. Trong số 124 chuyến tàu do Ðoàn 962 tiếp nhận, riêng Bến Vàm Lũng 68 chuyến. Bến Vàm Lũng là bến tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên, cũng là bến tiếp nhận nhiều chuyến nhất của con đường này. Từ Vàm Lũng, chúng ta có vũ khí đánh thắng trận Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là vào năm 1963; mở tuyến đường vận tải nội bộ dọc ven biển chuyển lên Quân khu 7 hơn 1.400 tấn; tổ chức một đội vận tải đường bộ để chuyển 315 tấn vũ khí cho 2 tỉnh, Trà Vinh, Vĩnh Long... Ðể có những thành tích đó, đã có hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 962 hy sinh. Tính ra con số, nếu 1.000 tấn vũ khí được đưa ra chiến trường thì có 110 chiến sĩ Ðoàn 962 hy sinh.
Ðó là ký ức không bao giờ quên được của ông Hải, ông Bảy Thẹo, bà Hà, những nhân chứng lịch sử của Ðoàn 962, những người luôn xem nơi ấy là bến cảng lòng dân. Ngày nay, các cô chú trong vai những nhân chứng lịch sử tiếp tục lan tỏa tinh thần thép, truyền thống tốt đẹp của cha ông đi trước cho thế trẻ hôm nay ra sức học tập, thi đua, cống hiến công sức, trí tuệ kiến tạo quê hương./.