Nỗi lo suy thoái tiếp tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ
Các chỉ sổ chính của chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên đầu tuần dù Chủ tịch Fed đưa ra quan điểm ôn hòa về chính sách tiền tệ.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 26/8, chỉ số Dow Jones cộng 65,44 điểm, tương đương 0,16%, chốt ở mức 41.240,52 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này leo dốc hơn 200 điểm và đạt mức điểm nội phiên cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, mức tăng ấn tượng này không được duy trì cho tới cuối phiên.
Chỉ số S&P 500 sụt 0,32%, về mức 5.616,84 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng mất 0,85%, về còn 17.725,76 điểm.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đang duy trì đà phục hồi sau đợt bán tháo vào đầu tháng, nhờ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, các nhà giao dịch có vẻ tiếp tục dịch chuyển khỏi cổ phiếu công nghệ sang các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 cộng hơn 1% trong khi nhóm công nghệ giảm 1%.
Cổ phiếu hãng chip Nvidia mất 2,3% trước khi “ông lớn” công nghệ công bố báo cáo tài chính vào giữa tuần này.
Giới đầu tư xem việc Nvidia công bố kết quả kinh doanh là một sự kiện quan trọng đối với thị trường cổ phiếu, bởi cơn sốt trí tuệ nhân tạo mà Nvidia là cổ phiếu nóng nhất đã giữ vai trò là nguồn lực chính của xu hướng thị trường giá lên tính đến thời điểm hiện tại.
Theo chuyên gia Ross Mayfield của công ty Baird, giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tỏ ra thận trọng trước khi đón nhận báo cáo tài chính sắp tới của Nvidia.
Vị chuyên gia lưu ý: “Thị trường đang ở một vị thế tương đối lành mạnh, nhưng sẽ rất khó để tiếp tục bứt phá nếu cổ phiếu công nghệ trở thành một chướng ngại vật. Nhóm cổ phiếu này có tỷ trọng quá lớn trong các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ”.
Thị trường chứng khoán đã nhanh chóng hồi phục sau khi chứng khiến đợt bán tháo ồ ạt vào đầu tháng này do chịu áp lực từ nỗi lo suy thoái và sự sụp đổ của giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).
Sau phiên bán tháo kỷ lục vào ngày 5/8, chỉ số S&P 500 đã tăng 8%, cách đỉnh lịch sử chưa đầy 1%, trong khi Dow Jones vọt lên hơn 6%.
Sự phục hồi cũng lan rộng hơn trên toàn thị trường sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị thường niên của ngân hàng trung ương ở Jackson Hole hôm 23/8. Ông Powell khẳng định đã đến thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ.
Thị trường Phố Wall đang nóng lòng chờ đợi một đợt giảm lãi suất từ Fed, đặc biệt trong bối cảnh có những mối lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Ông Powell không đưa ra tín hiệu gì về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất, nhưng theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 tới, với khả năng giảm 0,25% là 68% và khả năng hạ 0,5% là 32%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nomura hôm 26/8 nhận định thị trường chứng khoán Mỹ có thể biến động mạnh trong thời gian tới
“Mặc dù thị trường đã phản ứng tích cực với phát biểu mới nhất của Chủ tịch Fed Powell tại Jackson Hole vào tuần trước, nhưng các nhà giao dịch nên chuẩn bị tâm lý đón nhận đợt điều chỉnh của các chỉ số trong ngắn hạn”- chiến lược gia Yoshitaka Suda của Nomura nói với đài CNBC hôm 26/8.
Theo vị chuyên gia của ngân hàng Nomura, chỉ số MOVE (đo lường độ biến động của trái phiếu Kho bạc Mỹ trong 1 tháng) hiện vẫn duy trì trên mức 100 điểm mặc dù lo ngại về lạm phát đã giảm đáng kể sau bài phát biểu của ông Powell tại Jackson Hole.
"Chỉ số MOVE lẽ ra phải giảm xuống dưới 100 điểm vào thời điểm này. Và mặc dù chỉ số VIX - đo lường biến động của thị trường, đã ổn định thời gian gần đây, nhưng chúng tôi nhận định nó sẽ sớm tăng trở lại" - chuyên gia Suda cho hay.