Nỗi lo mùa nắng hạn
Mới chớm đầu mùa khô, nắng đã gay gắt trên những vườn cây ăn quả ở Khánh Sơn. Những vườn sầu riêng đang kỳ đậu trái phải oằn mình chịu hạn. Người dân đã tất bật kéo nước, sửa ống, đào ao tích trữ nước tưới. Bởi có nguồn nước mới có thể giữ được mùa trái ngọt giữa cái nắng khắc nghiệt.
Nguy cơ thiếu nước tưới
Những ngày này, mùa khô đã bao phủ khắp các vườn cây ăn quả ở Khánh Sơn. Đi khắp các nhà vườn, chúng tôi bắt gặp những vườn sầu riêng đang độ xả nhụy, kết quả non như muốn lả đi trong cái nắng gay gắt. Đang kéo nước tưới cho hơn 1ha sầu riêng của gia đình, ông Trần Văn Tiến (ở thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình) cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 1ha sầu riêng được 7 năm, cây đã xả nhụy hết, bắt đầu cho quả non. Đã hơn 1 tháng nay, nắng rất gắt, chúng tôi phải tưới nước đều cho cây, phần bổ sung nước để cây chống chọi với nắng hạn, phần để cây không bị sốc nhiệt, rụng quả non khi thời tiết thay đổi đột ngột, có mưa giông”. Bơm tưới xong cho hơn 200 gốc sầu riêng từ nước trong ao dự trữ, ông Tiến lại tranh thủ lên đầu nguồn nước Xóm Cỏ cách vườn chừng 1,5km kiểm tra hệ thống ống dẫn nước có bị hỏng hay không để sửa chữa lại. Bởi nguồn nước cấp cho hệ thống tưới tiết kiệm được ông lấy từ khu vực Nhà máy nước Xóm Cỏ về đã bị đứt nước mấy hôm nay.

Hồ chứa nước Ka Tơ đã hoàn thành, cung cấp nước cho các khu vực khô hạn ở xã Ba Cụm Nam.
Trao đổi với lãnh đạo xã Sơn Bình, chúng tôi được biết, trên địa bàn xã có 642ha cây trồng, trong đó riêng cây sầu riêng lên đến 529ha. Toàn xã có 6 công trình thủy lợi để phục vụ nước tưới cho cây trồng nhưng đều có quy mô nhỏ, trong đó 3 công trình bị hỏng, không hoạt động nên thường xuyên thiếu nước trong mùa khô. Địa phương xác định, trong mùa khô năm nay, có khoảng 100ha cây trồng của nhà vườn ở các khu vực: Gia Lai ở thôn Cô Lắc và xóm 9, xóm 10 ở thôn Liên Bình sẽ bị hạn; 240ha cây trồng ở xóm 8 thôn Liên Hòa và 35ha ở khu vực Suối Sóc thôn Liên Hòa có nguy cơ bị hạn.

Người dân thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) tưới nước chống hạn cho cây sầu riêng.
Đến xã Thành Sơn, chúng tôi gặp ông Cao Văn Tùng (thôn A Pa 1) đang đi kiểm tra hệ thống dẫn nước từ đầu nguồn suối A Pa dẫn về các ao tích trữ nước của gia đình. Những ngày qua, ông Tùng đứng ngồi không yên khi thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục. Để ứng phó với nguy cơ hạn hán, mới đây, gia đình ông Tùng đã đầu tư gần 100 triệu đồng đào 2 ao chứa nước và mua 2 máy bơm, 1.000m ống dẫn nước về hồ để tích trữ, bơm tưới cho cây trồng. “Chỉ khoảng 2 - 3 tháng nữa là vào cao điểm mùa khô, khi đó mực nước trên suối xuống thấp, rất dễ xảy ra tranh chấp nguồn nước tưới”, ông Tùng lo lắng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 5.000ha cây nông nghiệp, trong đó có đến 3.640ha cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng lên đến 2.600ha. Toàn huyện có 41 công trình thủy lợi nhưng chỉ là các đập và kênh mương nhỏ, trong đó có 19 công trình hoạt động không hiệu quả. Công suất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi trên địa bàn khoảng 225ha, nhưng thực tế chỉ tưới cho khoảng 198ha, chủ yếu là cây hàng năm; chỉ mới đáp ứng được khoảng 4% nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Đối với 96% diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại chủ yếu sử dụng nước mưa hoặc người dân bơm nước tưới từ các sông, suối. Do đó, cứ sau Tết Nguyên đán, người dân ở các khu vực: Du Oai, Ha Nít (xã Sơn Lâm); Xà Bói, Tà Gụ, Liên Hiệp (xã Sơn Hiệp); A Thi, Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc); Tà Nĩa, Chi Chay, Ma O (xã Sơn Trung)… và các khu vực đồi cao, xa nguồn nước luôn canh cánh với nỗi lo chống hạn cho cây trồng.
Chủ động ứng phó
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Năm nay, mùa khô ở Khánh Sơn đến sớm và gay gắt hơn. Trong những tháng tới, các hộ có đất canh tác nông nghiệp trên đồi núi, xa nguồn nước sẽ bị thiếu nước tưới; năng suất, chất lượng cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, ngay từ đầu năm, địa phương đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chức năng trên địa bàn tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực để điều tiết, tích trữ nước phòng ngừa hạn hán, thiếu nước nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô hạn năm nay. Việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng được thực hiện theo phương thức “Cao, xa nguồn nước tưới trước; thấp, gần nguồn nước tưới sau” để vừa tiết kiệm, vừa hạn chế tổn thất, hao hụt nước trong sản xuất nông nghiệp”.

Gia đình ông Cao Văn Tùng (xã Thành Sơn) đào ao dự trữ nước để bơm tưới cho cây trồng.
Giải pháp ứng phó với hạn hán được UBND huyện chỉ đạo các địa phương ngay từ đầu mùa khô năm nay, trong đó phải tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi để khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét các kênh mương, đào thêm ao tích trữ nước; vận động các nhà vườn, người dân sử dụng nước tiết kiệm; điều tiết nước hợp lý khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt, tránh tình trạng xung đột, tranh chấp nguồn nước tưới dẫn đến mất an ninh trật tự…
Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình chia sẻ: “Địa phương sẽ tập trung nạo vét các lòng đập Cô Lắc, Coranoa, Suối Sóc để tăng khả năng tích nước; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc nạo vét, nâng cấp các ao tích nước trong vườn. Trong thời gian cao điểm nắng hạn, địa phương sẽ lắp đặt các trạm bơm dã chiến để đảm bảo nước tưới cho khoảng 100ha cây trồng không chủ động được nguồn nước tưới trên địa bàn”.
Cần đầu tư các công trình thủy lợi
Qua nhiều đợt hạn hán, những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện Khánh Sơn đã ưu tiên bố trí nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Trên địa bàn huyện đã và đang triển khai thi công nhiều công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước. Mới đây, công trình hồ chứa nước Ka Tơ (xã Ba Cụm Nam) với dung tích gần 150.000m3 được hoàn thành, đã cung cấp nước cho vùng thường xuyên hạn hán ở các thôn Suối Me, Ka Tơ. “Trước đây, vườn sầu riêng 8 sào của gia đình tôi ở thôn Suối Me thường xuyên bị thiếu nước tưới. Từ ngày hồ chứa nước Ka Tơ bắt đầu cấp nước, tôi không còn lo thiếu nước tưới nữa” - ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ka Tơ) vui mừng cho biết.

Đập dâng Tô Hạp 1 đang được triển khai thi công.
Ông Phạm Hữu Duy - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Khánh Sơn cho biết: “Cùng với hồ chứa nước Ka Tơ đã đưa vào sử dụng, hồ chứa nước Sơn Trung có tổng mức đầu tư khoảng 265 tỷ đồng, dung tích 2,74 triệu m3 đang được triển khai xây dựng tại xã Sơn Trung. Khi hoàn thành, bên cạnh tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 người dân ở thị trấn Tô Hạp và các xã: Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Sơn Hiệp, Sơn Bình, hồ chứa nước Sơn Trung còn cung cấp nước tưới cho 140ha đất nông nghiệp vùng hạ du. Công trình đập dâng Tô Hạp 1 (đập dâng trên sông Tô Hạp, đoạn thuộc thị trấn Tô Hạp) đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm nay. Khi hoàn thành, đập sẽ góp phần cấp nước cho sản xuất nông nghiệp tại các khu vực lân cận và một số công trình thủy lợi khác. Ngoài ra, nhiều hộ dân được Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (Dự án SACCR) hỗ trợ đào, sửa chữa nâng cấp 312 ao tích trữ nước để phục vụ sản xuất…”. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, địa phương đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư hơn 10 công trình đập dâng trên sông Tô Hạp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn; xây dựng 9 công trình hồ chứa nước lớn, nhỏ để phục vụ đa mục tiêu.