Kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ

Việc kết nối giao thông giữa TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội 3 địa phương mà tạo động lực phát triển cả vùng Đông Nam Bộ

Hiện kết nối giữa TP HCM và Bình Dương chủ yếu qua Quốc lộ (QL) 13, QL1A, QL1K và đường Phạm Văn Đồng, Tỉnh lộ 43... nhưng thường xuyên ùn tắc ở các đoạn trên QL13 và QL1A phía TP HCM.

Quá tải nhiều cung đường

QL13 là trục giao thông huyết mạch, "xương sống" kết nối tỉnh Bình Dương với TP HCM, còn được ví là "con đường tơ lụa" của Bình Dương. Dọc tuyến đường này đã hình thành nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Đồng An, Mỹ Phước..., thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của cả vùng Đông Nam Bộ.

Hiện tại, cả Bình Dương và TP HCM đều triển khai các dự án mở rộng và nâng cấp QL13 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và tăng cường năng lực vận tải.

Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông giữa Bình Dương với TP HCM và các địa phương lân cận đã cơ bản đồng bộ. Các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng đang được Bình Dương đẩy nhanh tiến độ như: Vành đai 3 (dự kiến hoàn thành vào quý I/2026); cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dự kiến hoàn thành vào quý III/2026); Vành đai 4 (dự kiến hoàn thành vào năm 2027). Với áp lực hạ tầng giao thông ngày càng gia tăng, kỳ vọng các "siêu dự án" này sẽ sớm thành hiện thực.

Dưới cái nắng chói chang của những ngày tháng 4, công nhân tại công trường xây dựng nút giao Bình Chuẩn trên đường Vành đai 3 miệt mài làm việc. Xe ben, xe tải vẫn miệt mài chở đất để đắp nền, cố gắng đắp xong trước mùa mưa.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện nhà thầu Thái Sơn, cho biết để bảo đảm tiến độ xây dựng nút giao Bình Chuẩn, nhà thầu bố trí công nhân làm tăng ca, kể cả dịp lễ 30-4 này. Đến nay, tiến độ đã đạt hơn 40% và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, như cam kết.

Từ TP HCM đi Đồng Nai, có 3 lộ trình. Lộ trình chính thường là theo tuyến QL1A, dài khoảng 30 km từ trung tâm TP HCM đến Biên Hòa. Đây là tuyến chính, thuận tiện cho xe khách, xe tải cũng như xe máy. Tuy nhiên, QL1A qua khu vực này quá tải do số lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt những ngày cao điểm, cuối tuần, lễ, Tết, nhiều đoạn thường xuyên ùn tắc.

Ngoài QL1A còn có tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, dài 55 km, đưa vào khai thác từ năm 2015, được người dân ưu tiên chọn khi lưu thông từ TP HCM đi Đồng Nai hoặc ngược lại. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tuyến này quá tải do một trong những tuyến cao tốc có lưu lượng xe cao nhất nước, trung bình mỗi ngày có 45.000 - 50.000 ô tô lưu thông.

Ngoài 2 tuyến đường này, từ TP HCM đi TP Biên Hòa còn có tuyến xa lộ Hà Nội, kết nối từ TP Thủ Đức qua cầu Đồng Nai dẫn vào TP Biên Hòa hoặc nếu di chuyển từ TP HCM qua Nhơn Trạch, người dân có thể đi phà Cát Lái. Tuy nhiên, theo giới lái xe, tuyến này cũng trong tình trạng quá tải, kể cả phà Cát Lái cũng chỉ là lựa chọn cho một số phương tiện thuận tiện qua phà, riêng xe tải chở hàng, xe kéo rơ-mooc thì "né" vì qua phà rất tốn kém.

Cầu Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai kết nối Đồng Nai với TP HCM dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4-2025 Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Cầu Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai kết nối Đồng Nai với TP HCM dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4-2025 Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Kiến nghị xây dựng 3 cầu

Trong tháng 4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND TP HCM đề xuất phối hợp triển khai thực hiện các dự án xây dựng 3 cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, gồm: Cát Lái, Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc sớm triển khai các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Với cầu Cát Lái, vị trí xây dựng đã được UBND TP HCM thống nhất. Theo đó, điểm đầu của dự án nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400 m; điểm cuối kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Theo phương án này, tổng chiều dài toàn dự án hơn 11 km, trong đó cầu Cát Lái dài hơn 3 km; chia thành 4 dự án thành phần, gồm 2 dự án giải phóng mặt bằng (phía TP HCM và Đồng Nai) cùng dự án xây cầu Cát Lái và dự án xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu Cát Lái đến cuối tuyến.

Dự án cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư hơn 19.300 tỉ đồng, theo hình thức PPP, hợp đồng BOT cho dự án (phạm vi từ đầu tuyến đến sau trạm thu phí cầu Cát Lái trên 9.000 tỉ đồng), bao gồm vốn ngân sách (chiếm 49%) và vốn do nhà đầu tư huy động chiếm phần còn lại. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu Cát Lái đến cuối tuyến sẽ dùng ngân sách tỉnh Đồng Nai, với tổng nguồn vốn hơn 10.300 tỉ đồng.

Với cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất đầu tư hơn 19.000 tỉ đồng và hiện chưa có chủ trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, vị trí xây dựng đã được UBND TP HCM thống nhất với tỉnh Đồng Nai.

Dự án cầu Đồng Nai 2 có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP HCM tại nút giao Gò Công (thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP HCM); điểm cuối giao với QL51 (đoạn thuộc xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai); quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khi cầu Đồng Nai 2 hoàn thiện sẽ kết nối hai chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai (khu đô thị Long Hưng, Aquacity, khu đô thị golf Long Thành, khu đô thị Amata) và các đô thị ở TP Thủ Đức.

Dự án cầu Phú Mỹ 2 có điểm đầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiểng, quận 7, TP HCM) và điểm cuối giao với Tỉnh lộ 25C (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Lên kế hoạch xây dựng metro

Sở Giao thông Công chánh (GTCC) TP HCM vừa có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai liên quan việc đầu tư xây dựng các tuyến metro kết nối với Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Để có cơ sở xây dựng kế hoạch tổng thể, Sở GTCC TP HCM và Sở Xây dựng 2 tỉnh cung cấp thông tin về kế hoạch triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn của từng địa phương để kết nối tuyến Metro số 1.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Metro TP mới - Suối Tiên, có điểm đầu tại ga S1 (trung tâm TP mới thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), điểm cuối tại ga Bến xe Suối Tiên Metro số 1 TP HCM (thuộc phường Bình Thắng, TP Dĩ An, Bình Dương). Tổng chiều dài tuyến khoảng 32,43 km, đi qua 4 TP: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Bình Dương chọn phương án bố trí 64.370 tỉ đồng từ ngân sách để triển khai dự án; đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai dự án với số vốn huy động ngoài ngân sách, trong đó có 25 chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và 3 chính sách thuộc Chính phủ.

Cùng đó, tỉnh Đồng Nai đang thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu đầu tư tuyến metro kết nối với metro số 1. Theo đề xuất của tư vấn, chiều dài đoạn này gần 21 km; điểm đầu từ sau ga Bến xe Suối Tiên của Metro số 1 TP HCM, điểm cuối kết thúc tại depot dự kiến thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Trong đó, đoạn 1 từ ga bến xe Suối Tiên đến ga S0 (dài 1,8 km), do Bình Dương chủ trì thực hiện; đoạn từ ga S0 về đến depot tại xã Hố Nai 3 dài gần 20 km do Đồng Nai chủ trì thực hiện. Tổng mức đầu tư đoạn tuyến qua Đồng Nai dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng. Về vốn, đơn vị tư vấn đề xuất cân đối từ ba nguồn gồm: vốn ngân sách của tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vốn vay (vay ODA hoặc phát hành trái phiếu địa phương).

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án cầu Phú Mỹ 2 sẽ là một trong nhiều trục kết nối giao thông với TP HCM và chia sẻ lượng xe quá tải ở cầu Phú Mỹ. Dự án khi hoàn thành, kết hợp một số tuyến đường của TP HCM và Đồng Nai sẽ hình thành trục kết nối giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Cần sớm triển khai

Nhận định về việc kết nối giao thông liên vùng cho TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM - cho rằng rất cần thiết, bởi hiện nhu cầu đi lại, thông thương giữa 3 địa phương này tăng cao. Đặc biệt, sắp tới Bình Dương sáp nhập với TP HCM nên việc kết nối hạ tầng giao thông để đẩy mạnh hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị là cần thiết. Ngoài cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2 mà tỉnh Đồng Nai đề xuất xây dựng thì việc sớm đưa vào khai thác tuyến Vành đai 3 TP HCM, tiếp tục xây dựng tuyến Vành đai 4 TP HCM, xây dựng đường sắt kết nối 3 địa phương cũng cần sớm triển khai.

Song song đó, cần xem xét đề xuất sáp nhập huyện Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai về TP HCM để hợp nhất địa lý, thuận tiện giao thông, tăng thêm nguồn lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai. Khi đó đầu tư hạ tầng sẽ thông suốt hơn, từ đó mới phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị.

THU HỒNG - NGUYỄN TUẤN - NGUYỄN THẢO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ket-noi-giao-thong-vung-dong-nam-bo-196250425212451796.htm
Zalo