Sân chơi trong thành phố: Niềm cảm hứng từ nửa vòng trái đất
Với mong muốn bảo vệ môi trường cùng sự khát khao tạo nên những không gian chơi cho trẻ em, kiến trúc sư (KTS) Chu Kim Đức và nhóm Think Playgrounds xây dựng gần 175 sân chơi miễn phí từ những vật liệu tái chế.
Think Playgrounds là một doanh nghiệp xã hội được thành lập năm 2014 bởi một nhóm các bạn trẻ thiện nguyện với mục tiêu tìm kiếm các sáng tạo từ vật liệu tái chế, đơn giản, để xây dựng các sân chơi cho trẻ em khắp cả nước. Sau hơn 10 năm hoạt động, nhóm đã tạo dựng được hàng trăm sân chơi tái chế miễn phí ở mọi miền đất nước, với mong muốn trẻ em được vui chơi đúng nghĩa để phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.

Sân chơi cộng đồng Bờ Vờ Chương Dương
KTS. Chu Kim Đức - một trong 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020 do BBC bình chọn - chia sẻ cơ duyên từ một kiến trúc sư trở thành nhà sáng lập Think Playgrounds: “Năm 2012, khi học làm phim ở Doclab, tôi gặp bà Judith Hansen, một phụ nữ Mỹ mong muốn tặng cho Hà Nội một sân chơi. Bà ấy rất thích chụp ảnh sân chơi ở khắp nơi trên thế giới mà ở Hà Nội thì không tìm thấy sân chơi đúng nghĩa. Bà Judith là người nói với chúng tôi về các khái niệm như “quyền được chơi”; rằng “sân chơi” không chỉ là một không gian trống trải mà phải là nơi có các thiết bị chơi dành cho trẻ em, nơi trẻ em có thể chơi tự do, giao lưu và không phải trả tiền. Dự án của bà Judith không thực hiện được nhưng đã truyền cảm hứng cho tôi và Đạt - người sau này trở thành đồng sáng lập Think Playgrounds với tôi. Chúng tôi hiểu rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời, ai cũng thấy hay nhưng không ai làm gì cả. Vì vậy chúng tôi tự tay làm, rủ thêm bạn bè, tình nguyện viên và mọi người đóng góp, hỗ trợ. Sân chơi đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của báo chí và được ủng hộ, chúng tôi quyếtđịnh thành lập Think Playgrounds để hướng đến sứ mệnh lâu dài, tạo ra các không gian chơi cho trẻ em trong thành phố.”

Một sản phẩm tinh tế từ vật liệu tái chế
Dù chưa có kinh nghiệm làm sân chơi khi thực hiện xây dựng dự án nhưng chị và các thành viên của Think Playgrounds vẫn quyết tâm xây dựng nên một không gian vui chơi miễn phí cho trẻ em tại Hà Nội vừa làm vừa học hỏi. Nhóm đã đúng khi tiếp cận để xin phép cộng đồng và đi từ chính nhu cầu của cộng đồng để tham khảo ý kiến mọi người trong quá trình xây dựng, sửa chữa sân chơi.
Thời kỳ đầu mới thành lập, kinh phí còn nhiều khó khăn nên chủ trương của nhóm là tận dụng những đồ phế thải để thiết kế lại thành sân chơi có một không hai cho trẻ ngay trong lòng thành phố Hà Nội. Dưới đôi bàn tay của những kiến trúc sư trẻ, những miếng gỗ thừa, lốp xe ô tô hỏng, bàn ghế hỏng… sau một thời gian ngắn đã biến thành những đồ chơi thú vị như đồ chơi vượt chướng ngại vật, xích đu, ghế xoay…; màu sắc lại sinh động, bắt mắt, khiến trẻ em tò mò, thích thú. Ngựa bập bênh, những chiếc xích đu mới trở thành những người bạn thân thiết của tuổi thơ các em.

Hành trình mang nụ cười cho các em nhỏ
Chị Chu Kim Đức cho rằng không gian tái chế không chỉ tạo sân chơi thư giãn mà còn giáo dục các em ý thức về bảo vệ môi trường: "Những nguyên vật liệu tái chế được chúng tôi thu gom từ nhiều nguồn khác nhau nhà nào có các đồ cũ như nồi niêu xoong chảo, hộp sữa, chai nhựa thì mang đến đóng góp cho dự án. Ngoài ra, chúng tôi xin ở các xưởng gỗ, về nông thôn xin rơm, rạ. Tại Hoàng Thành Thăng Long huy động bố mẹ, các bé quét lá rồi gom thành đống to để các em làm gì chúng thích. Chúng tôi nhận thấy, các em đặc biệt thích sáng tạo những gì theo cách riêng mình hơn là những đồ chơi được thiết kế sẵn."
Với nguồn lực hạn chế, Think Playgrounds đã phải đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc nguồn lực tài chính và nhân sự thường không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng và duy trì sân chơi sau khi xây dựng cũng đòi hỏi sự phối hợp liên tục từ cộng đồng. Tuy nhiên, với tầm nhìn và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đối tác, nhóm đang từng bước mở rộng phạm vi hoạt động, các thành viên đều mong muốn mang mô hình sân chơi tái chế đến các vùng sâu, vùng xa, nơi trẻ em còn thiếu thốn nhiều cơ hội vui chơi.
Ngoài ra, những hoạt của nhóm cũng góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của mọi người, đặc biệt là giáo dục các em nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Chị Chu Kim Đức chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là nhận thức của đa số người dân về quyền được chơi, nếu không có quyền này, trẻ em không thể phát triển một cách lành mạnh. Quyền được chơi nghĩa là tất cả trẻ em không phân biệt giàu nghèo đều cần có không gian chơi tự do ngoài trời mỗi ngày. Không gian này phải gần với nơi ở của các em để các em có thể tự đi đến. Khi chúng tôi thuyết phục chung tay xây dựng sân chơi thì ít được cộng đồng đóng góp, trong khi mỗi gia đình lại bỏ rất nhiều tiền cho con đi học thêm kín cả cuối tuần. Cộng đồng cần nhận thức rằng trẻ em cần có không gian chơi gần nhà vì trong sân chơi, trẻ em học được rất nhiều điều mà không trường lớp nào dạy được, nhất là các trải nghiệm thể chất, tâm lý và xã hội cũng như cách tự giải tỏa căng thẳng do áp lực. Điều này rất cần thiết cho cuộc sống sau này!” Không chỉ vậy, nhóm cũng tổ chức các sự kiện, chương trình giáo dục và vận động, đồng thời mời các chuyên gia môi trường và giáo dục đến chia sẻ kiến thức, giúp nâng cao nhận thức của xã hội.
Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, nhóm đã trở thành doanh nghiệp xã hội nổi bật, cũng đã mở rộng các dự án giúp hàng nghìn trẻ em có cơ hội tiếp cận với sân chơi sáng tạo và học hỏi về cách bảo vệ môi trường từ những vật liệu tưởng chừng như vô giá trị.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Think Playgrounds đã tạo dựng được 175 sân chơi tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhóm cũng đã giành được nhiều giải thưởng về đô thị xanh như GreenCity của Đại sứ quán Đan Mạch, Urban 95 của quỹ Bennett Valley. Nhóm cũng là tổ chức khởi xướng về nâng cao nhận thức quyền được chơi của trẻ em và ý nghĩa của hoặt động vui chơi ngoài trời trong giáo dục.