'Nối dây ân linh thần núi'- Lễ tục độc đáo của người Pa Kô
Sau khi thu hoạch xong mùa màng, chuẩn bị đón xuân mới, tùy từng dòng họ mà người Pa Kô ở miền Tây tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ nối dây ân linh thần núi. Đây là một lễ tục độc đáo đã có từ hàng trăm năm trước của người Pa Kô, như một nghĩa cử tri ân thần núi che chở cho dân làng bình an.
Lâu lắm rồi, dòng họ Kray, dân tộc Pa Kô, ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị mới có một ngày hội đông vui trước thềm xuân mới. Sáng sớm, mọi người từ già trẻ, gái trai trong trang phục truyền thống của đồng bào Pa Kô hội tụ về sân làng dự lễ.
Trước sân làng, mọi người bày soạn mâm cúng thực hiện nghi lễ nối dây ân linh thần núi. Ngay giữa sân làng, bà con đã dựng sẵn 1 cây gỗ cao vững chắc (gọi là cây cột lễ). Một sợi dây cước trắng được nối từ cây cột lễ vào nhà thờ dòng họ Kray, tượng trưng cho sợi dây ân linh thần núi.
Khi các lễ vật chuẩn bị xong, 1 con dê được cột vào cây cột lễ. Già làng Hồ Xuân Văn, Trưởng dòng họ Kray, ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông cầm tấm nai (còn gọi là tấm Jeng - dệt thổ cẩm) đứng trước mâm lễ khấn tạ ơn thần núi, thần sông, thần mặt trời và cầu xin cho dân làng có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, tiêu trừ bệnh tật, mạnh khỏe, ăn nên làm ra, sinh sôi nảy nở.
Già làng Hồ Xuân Văn giải thích, nối dây ân linh thần núi là nối ân huệ giữa thần núi và các gia đình dòng họ Kray ở làng Aliêng: “Cái tục lệ này là truyền thống từ đời xưa của người Pa Kô. Đến bây giờ, từ đời ông đến đời bố, đời con, đời cháu sau này vẫn là giữ mãi mãi. Đó là lễ tục truyền thống của dân tộc Pa Kô mình, “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Ngày xưa, dòng họ Kray đồng bào Pa Kô ở làng A Liêng, xã Tà Rụt, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị từng sống khỏe mạnh ở làng Pa Ling là nhờ có thần núi Pa Ling che chở. Sau này, bà con chuyển về làng A Liêng, nơi có ngọn núi PLăng cao nhất ở vùng Tà Rụt - Húc Nghì. Đứng trên đỉnh núi PLăng về mùa hè có thể nhìn thấy bãi cát ven biển Cửa Việt. Muốn có cuộc sống yên ổn, khỏe mạnh, dòng họ Kray cũng nhờ một vị thần núi ở đây che chở. Các gia đình họ Kray ở A Liêng chọn thần núi PLăng để thực hiện nghi lễ tạ ơn với mong muốn vị thần núi này sẽ ban phước lành cho họ.
Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, dòng họ Kray và bà con dân làng ALiêng luôn có sức khỏe đánh giặc, giữ nước, ít người ốm đau, bệnh tật. Tin vào thần núi che chở, đồng bào nơi đây gắn chặt với nhau qua một sợi dây linh thiêng. Lễ nối dây ân linh thần núi của người Pa Kô ra đời từ đó.
Chị Kray Sương ở làng A Liêng, xã Tà Rụt, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị rất vui khi lần đầu dự lễ hội này: “Chúng em được học hỏi rất nhiều từ ông cha đã để lại, cho nên luôn giữ mãi văn hóa truyền thống của người Pa Kô. Sau này lễ tục này được bảo tồn, không bị xóa bỏ".
Định kỳ từ 7 năm đến 10 năm, Lễ nối dây ân linh thần núi của đồng bào Pa Kô diễn ra một lần, sau khi kết thúc mùa màng. Tùy theo mỗi dòng họ mà quy mô tổ chức Lễ khác nhau. Các gia đình tùy điều kiện kinh tế mà đóng góp bò, dê, gà, làm cơm nếp ống tre, cá ống tre… đem đến cúng lễ. Bà con trong thôn, bản từ già, trẻ, gái, trai, ai đến dự lễ cũng bắt buộc phải mặc đồ mới và trang phục truyền thống của người Pa Kô. Để thể hiện tình đoàn kết, họ đi thành vòng tròn quanh một tấm thổ cẩm mới dệt và nhảy múa trong tiếng chiêng, trống, khèn. Cứ thế, họ cùng nhau nhảy quanh đống lửa luôn cháy rực sưởi ấm suốt đêm cho đến sáng hôm sau và kết thúc bằng lễ cầu an.
Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, chuyên sưu tầm, nghiên cứu các văn hóa lễ hội của đồng bào Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị cho rằng, Lễ nối dây ân linh thần núi là lễ tục rất quan trọng và có ý nghĩa trong đời sống của người Pa Kô. Đây là một nghi lễ ân nghĩa mang nặng số mệnh của đồng bào PaKô mà nhiều người còn chưa biết, bởi thời gian quá lâu và tồn tại hàng trăm năm nay. Việc phục dựng và tổ chức lễ tục này giúp các thế hệ trong dòng họ biết được những việc làm tốt đẹp của ông cha, nghĩa cử cao đẹp giữa thần núi và đời sống con người.
Theo Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, đây cũng là dịp để gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng trong từng bản làng, dòng họ của người Pa Kô: "Lễ này rất quan trọng và rất có ý nghĩa đối với đời sống đồng bào Pa Kô. Qua lễ hội này, tất cả mọi người biết được ân nghĩa của con người đối với đồi núi, với thiên nhiên. Nhờ thần núi chở che mà người dân A Liêng sinh con đẻ cái, có cuộc sống bình an, ngự trụ đến ngày hôm nay. Chúng ta cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa về lễ hội nối dây ân linh thần núi này”.
Một thời gian dài, cuộc sống có nhiều thay đổi, Lễ nối dây ân linh thần núi của đồng bào Pa Kô, tỉnh Quảng Trị bị mai một, dần lãng quên, ít ai còn nhớ tới. Hai năm trở lại đây, dòng họ Kray, người Pa Kô ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị phục dựng và tổ chức lễ hội này, làm sống lại một lễ tục độc đáo đầy nhân văn và làn tỏa ra nhiều dòng họ của đồng bào Pa Kô vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị. Lễ hội còn là dịp truyền dạy cho các lớp hậu thế biết cách ứng xử với thiên nhiên, thế giới xung quanh nơi mình đang sinh sống. Qua đó, bảo tồn, gìn giữ và phát huy một nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Pa Kô.