Nỗi đau 'nhà giàu': Châu Âu là khu vực duy nhất số ca tử vong vì Covid-19 tăng, các bệnh viện ở Đức rơi vào tình trạng báo động

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong vì Covid-19 ở châu Âu đã tăng 5% trong tuần trước, biến đây trở thành khu vực duy nhất trên thế giới có số ca tử vong gia tăng.

Trong báo cáo hàng tuần được công bố gần đây, WHO cho biết 50.000 ca tử vong vì Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới trong tuần trước. Tuy nhiên, ngoài khu vực châu Âu, con số tử vong đều giảm hoặc không tiếp tục gia tăng ở những nơi khác.

Theo đó, châu Âu ghi nhận 28.304 ca tử vong mới trong tuần qua, nâng tổng số người đã qua đời vì Covid-19 ở khu vực này lên 1.480.768 người. Trong số 3,3 triệu ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu, có 2,1 triệu ca từ châu Âu. Báo cáo của WHO cũng cho biết 3 nước châu Âu có số ca mắc mới cao nhất là Nga (275.579), Đức (254.436) và Anh (252.905).

WHO mới đây cảnh báo rằng châu Âu một lần nữa là tâm chấn của đại dịch và nửa triệu người trên châu lục này có thể chết vì Covid-19 trong vài tháng tới.

Tính tới 14/11, WHO ghi nhận 252 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới và hơn 5 triệu ca tử vong được xác định.

Áp lực khổng lồ đè lên các bệnh viện

Đại dịch bùng phát trở lại khiến các giường chăm sóc đặc biệt ở Đức chật kín kèm theo đó là sự thiếu hụt nhân viên y tế trầm trọng. Một bệnh viện ở bang Bavaria của Đức đã đưa ra quyết định chưa từng có là chuyển một bệnh nhân mắc Covid-19 tới miền bắc Italy để điều trị.

Trải qua 18 tháng thăng trầm của đại dịch, Đức nhiều lần tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các quốc gia láng giềng tới đây điều trị. Tuy nhiên, một làn sóng bùng phát dữ dội đã khiến hệ thống y tế tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu lâm vào khủng hoảng. Rất nhiều bệnh viện đã kín chỗ, buộc nhà chức trách phải tìm đến các cơ sở y tế khác của châu Âu để được giúp đỡ.

Tại nhiều bệnh viện ở Đức, các giường chăm sóc đặc biệt đều đã kín chỗ vì số ca mắc Covid-19 chuyển biến nặng gia tăng.

Tại nhiều bệnh viện ở Đức, các giường chăm sóc đặc biệt đều đã kín chỗ vì số ca mắc Covid-19 chuyển biến nặng gia tăng.

Thực tế, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt ở Đức vẫn chưa phá đỉnh lịch sử của một năm trước. Tuy nhiên, khoảng thời gian này, các bệnh viện đang chịu tổn thất nghiêm trọng vì tình trạng thiếu hụt nhân sự, khiến khả năng đối phó với đại dịch gặp cản trở.

"Tuần trước, hôm thứ 4 hay thứ 5 gì đó, chúng tôi đã phải dùng trực thăng để chuyển một bệnh nhân Covid-19 tới Merano", Thomas Marx, 43 tuổi, giám đốc một bệnh viện tại Freising, Bavaria nói. "Chúng tôi không còn khả năng tiếp nhận các bệnh nhân và những bệnh viện xung quanh khu vực cũng đã kín chỗ".

Freising là một thị trấn có khoảng 50.000 dân. Merano là một thị trấn của Italy, cách Freising khoảng hơn 300 km.

Hiện tại, cơ sở y tế mà Marx đang quản lý có khả năng chăm sóc đặc biệt cho 10 bệnh nhân. Tuy nhiên, họ đã phải chăm sóc cho 13 ca nặng. Năm trong số đó là các bệnh nhân mắc Covid-19 và tất cả họ đều chưa tiêm phòng.

Nghịch lý khó tin

Tỷ lệ tiêm chủng của Đức hiện chưa đạt 70% ngay cả khi quốc gia này có nhiều vắc xin. Giới chức y tế Đức dùng mọi cách để gia tăng mức độ tiêm chủng của người dân nhằm giảm thiểu hơn nữa số ca mắc và chuyển biến nặng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã kêu gọi người dân tiêm chủng bởi đó là cách để "thoát khỏi đại dịch".

Trong một nỗ lực thúc đẩy người dân tiêm phòng, Quốc hội Đức đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua những quy định mới để đưa ra nhiều hạn chế với những người chưa được tiêm phòng. Theo đề xuất, những người chưa được tiêm sẽ buộc phải trình báo kết quả xét nghiệm âm tính để được sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay đi tới văn phòng.

Áp lực khiến nhiều nhân viên y tế tại Đức quyết định từ bỏ công việc, gây thêm những tổn thất cho hệ thống y tế.

Áp lực khiến nhiều nhân viên y tế tại Đức quyết định từ bỏ công việc, gây thêm những tổn thất cho hệ thống y tế.

Tại đơn vị chăm sóc đặc biệt của Phòng khám Munich Clinic Schwabing, bác sĩ Niklas Schneider đã bày tỏ sự thất vọng với lượng vắc xin được tiêm mới trong các quý gần đây.

"Tôi thực sự ngạc nhiên khi việc tiêm phòng không nhận được sự ủng hộ của công chúng. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao nhiều người để mình bị lừa bởi những câu chuyện kinh dị, đôi khi được thêu dệt, về vắc xin", bác sĩ Schneider nói.

Trên cương vị của một bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa những người mắc Covid-19, bác sĩ Schneider cảnh báo nguy cơ người bệnh bị đe dọa tính mạng khi chưa tiêm phòng. Đó không chỉ là tổn thương với bản thân họ mà còn khiến hệ thống y tế trở nên quá tải trong khi hoàn toàn có thể thay đổi được điều đó.

Bên cạnh tỷ lệ tiêm vắc xin tương đối thấp so với khu vực Tây Âu, các nhân viên y tế ở Đức cũng phàn nàn rằng chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực khám chữa của họ. Theo tạp chí Spiepel, hiện chỉ có ¼ số bệnh viện ở Đức có thể duy trì dịch vụ chăm sóc đặc biệt thường xuyên. Nhiều bệnh viện nói rằng họ đang thiếu nhân lực được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ này.

Đây thực sự là vấn đề "mãn tính", ngay cả khi dịch chưa bùng phát. Lương thấp và những căng thẳng trong quá trình chống dịch khiến nhiều người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẵn sàng bỏ việc. Hiện tại, lượng nhân viên y tế ở Đức còn thấp hơn so với đợt bùng phát bệnh đầu tiên.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/noi-dau-nha-giau-chau-au-la-khu-vuc-duy-nhat-so-ca-tu-vong-vi-covid-19-tang-cac-benh-vien-o-duc-roi-vao-tinh-trang-bao-dong-420211811131622508.htm
Zalo