Nghe ý kiến dân, nhiều tỉnh, thành bỏ cách đặt tên xã, phường theo số 1, 2, 3

Nhiều tỉnh, thành sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân đã điều chỉnh phương án đặt tên phường, xã theo số thứ tự 1, 2, 3... bằng những cái tên quen thuộc với người dân, gắn với lịch sử, văn hóa của mỗi vùng đất.

Những ngày qua, nhiều tỉnh, thành đã công bố phương án dự kiến sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã; trong đó có nêu số lượng xã, phường cũng như cách đặt tên.

Về cách đặt tên xã, phường, dư luận cũng đang có nhiều tranh luận và quan điểm khác biệt. Phần lớn băn khoăn giữa việc chọn tên xã, phường mới theo quận, huyện cũ và thêm số thứ tự hay chọn từ những cái tên cũ, thậm chí đặt một cái tên mới hoàn toàn.

Nhiều người dân cũng như một số chuyên gia lịch sử cho rằng, cách đặt tên xã, phường đánh số thứ tự là một phương án an toàn nhưng khá đơn điệu và không có chiều sâu lịch sử, văn hóa.

Tính tới ngày 22/4, nhiều tỉnh, thành đã thay đổi phương án đặt tên - từ cách đánh số thứ tự sang tên chữ. Tuy nhiên, vẫn có một số tỉnh, thành vẫn giữ nguyên phương án đặt tên ban đầu - tức là lấy tên cấp huyện và thêm số thứ tự.

Hai cách đặt tên này đều được gợi mở tại Điều 7, Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên của ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Cụ thể, Nghị quyết đưa ra 2 đề xuất đặt tên: một là lấy tên của một trong các xã, phường trước sắp xếp; hai là đặt tên cấp xã theo số thứ tự hoặc lấy tên cấp huyện cũ và thêm số thứ tự.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng lưu ý, tên của ĐVHC cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành lời khen cho cách đặt tên phường, xã theo địa danh của TPHCM. Ông cho rằng, cách đặt tên này giúp người nghe nhận diện được ngay xã, phường đó ở khu vực nào, thay vì chỉ là phường 1, 2, 3…, rất khó hình dung.

Nhiều tỉnh, thành sau khi công bố phương án đặt tên theo cách đánh số thứ tự 1, 2, 3... đã lắng nghe ý kiến của nhân dân và thay đổi phương án ngay sau đó.

Lắng nghe ý kiến nhân dân

Trung tâm hành chính của TP Hải Phòng (mới) được đặt ở TP Thủy Nguyên. Ảnh: Trọng Tùng

Trung tâm hành chính của TP Hải Phòng (mới) được đặt ở TP Thủy Nguyên. Ảnh: Trọng Tùng

Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Phòng là những địa phương đã thay đổi phương án đặt tên xã, phường. Cụ thể, ban đầu những tỉnh này đưa ra phương án đặt tên dự kiến bằng cách đánh số thứ tự tên cấp huyện.

Theo phương án ban đầu, hầu hết các quận, huyện của TP Hải Phòng sẽ đặt tên các ĐVHC cấp xã mới bằng cách lấy tên quận, huyện, sau đó đánh số 1, 2, 3… Ví dụ, quận Hồng Bàng sẽ thành lập 2 đơn vị cơ sở mới, gồm: phường Hồng Bàng 1 và phường Hồng Bàng 2. Quận Hải An sẽ thành lập 2 đơn vị cơ sở mới, gồm: phường Hải An 1 và Hải An 2. Tương tự với quận Đồ Sơn, quận Dương Kinh, quận An Dương, TP Thủy Nguyên, huyện An Lão…

Tuy nhiên, đến chiều ngày 22/4, sau khi nắm bắt dư luận xã hội, một số địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng, như: huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy… thay đổi phương án tên gọi dự kiến các xã, phường.

Cụ thể, các địa phương sẽ đặt tên xã, phường mang dấu ấn văn hóa, lịch sử của địa phương thay vì đánh số tên của quận, huyện cũ. Theo phương án mới, các xã mới của huyện Vĩnh Bảo sẽ được đặt tên: Vĩnh Am, Vĩnh Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Bảo, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận.

Huyện Tiên Lãng sẽ có các ĐVHC sau sắp xếp, gồm: Xã Quyết Thắng, Tiên Lãng, Tân Minh, Tiên Minh, Chấn Hưng, Hùng Thắng…

Tên các làng, xã cũ sẽ được lựa chọn để đặt tên cho các thôn, khu dân cư.

Tương tự, Quảng Nam và Quảng Trị ban đầu dự kiến đặt tên xã, phường bằng cách lấy theo tên huyện, đánh số thứ tự hoặc thêm hướng đông, tây, nam, bắc.

Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến của nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất không áp dụng cách đặt tên theo số thứ tự hay hướng địa lý như dự kiến ban đầu.

Tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn những tên gọi gắn liền với di tích lịch sử, vùng đất, làng, sông, suối hoặc các di sản văn hóa nổi tiếng. Ví dụ như: Thanh Châu, Thanh Hà (TP Hội An); Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú (TP Tam Kỳ); A Vương, Bến Hiên (huyện Đông Giang); Tài Đa, Sơn Cẩm Hà (huyện Tiên Phước)...

Phương án đặt tên mới này sẽ được Tỉnh ủy trình HĐND tỉnh vào ngày 26/4 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5.

Một số huyện như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị cũng thay đổi cách đặt tên các xã dựa trên ý kiến cử tri, tức là chọn phương án đặt tên dựa trên các yếu tố lịch sử, văn hóa địa phương.

Trong khi đó, TP Đông Hà, huyện Cam Lộ, Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh này vẫn giữ nguyên phương án đặt tên ban đầu.

Cuối ngày 22/4, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn lại cách đặt tên. Ảnh: Phạm Hải

Cuối ngày 22/4, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn lại cách đặt tên. Ảnh: Phạm Hải

Theo phương án đặt tên ban đầu, tỉnh Hải Dương cũng đặt tên xã, phường mới theo tên ĐVHC cấp huyện cũ và thêm số thứ tự.

Ví dụ, các xã mới ở huyện Tứ Kỳ sẽ có tên: Tứ Kỳ 1, Tứ Kỳ 2, Tứ Kỳ 3… Các phường mới của TP Hải Dương sau khi sáp nhập sẽ có tên là: Hải Dương 1, Hải Dương 2, Hải Dương 3…

Tuy nhiên, cuối ngày 22/4, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn đặt tên các ĐVHC cấp xã gắn với địa danh lâu đời, danh nhân tiêu biểu, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Việc đề xuất lựa chọn tên gọi sẽ do các bí thư huyện ủy, thành ủy, thị ủy trên địa bàn chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tương tự, Ban Chấp hành tỉnh ủy Nghệ An sau khi nghe ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đã đề nghị các địa phương cân nhắc nghiên cứu phương án đặt tên theo địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa, trên cơ sở bảo đảm quy định hiện hành và sự đồng thuận cao.

Tỉnh ủy giao Đảng ủy UBND tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nội vụ thẩm định trước ngày 1/5 và trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức ngày 28/4.

TP Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hà

TP Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hà

Đà Nẵng cũng thay đổi phương án đặt tên phường. Cụ thể, TP sẽ lấy lại những tên có địa danh có chiều sâu văn hóa như phường An Hải, Thạc Gián, Hải Vân, Sơn Trà, xã Bà Nà.

Với quận Hải Châu: tên phường Hải Châu 1 sẽ điều chỉnh thành phường Hải Châu, phường Hải Châu 2 điều chỉnh thành phường Thạch Thang, phường Hải Châu 3 thành phường Hòa Cường.

Với quận Thanh Khê: tên phường Thanh Khê 1 sẽ điều chỉnh thành phường Thạc Gián, phường Thanh Khê 2 điều chỉnh thành phường Thanh Khê…

TP Đà Nẵng sẽ lấy ý kiến nhân dân, sau đó trình HĐND ngày 24/4 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5.

Các tỉnh, thành vẫn giữ cách đặt tên đánh số

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 ĐVHC cấp xã mới, trong đó có 32 xã, 4 phường, giảm 85 đơn vị, tương ứng trên 70%.

Cụ thể, TP Vĩnh Yên sắp xếp thành lập 2 phường mới: Vĩnh Yên và Vĩnh Yên 1. TP Phúc Yên sắp xếp thành 2 phường mới: Phúc Yên và Xuân Hòa.

Huyện Sông Lô sắp xếp thành 4 xã mới: Sông Lô, Sông Lô 1, Sông Lô 2, Sông Lô 3). Huyện Lập Thạch sắp xếp thành 6 xã: Lập Thạch, Lập Thạch 1, Lập Thạch 2, Lập Thạch 3, Lập Thạch 4, Sơn Đông.

Hầu hết các huyện khác của tỉnh Vĩnh Phúc như: Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên đều đặt tên xã bằng cách lấy tên huyện và thêm số thứ tự.

Tỉnh Nam Định dự kiến sắp xếp còn 57 ĐVHC cấp xã (gồm 8 phường, 49 xã), giảm 118 đơn vị.
TP Nam Định và 8 huyện gồm: Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đều đặt tên các xã, phường bằng cách lấy tên huyện và thêm số thứ tự.

Tỉnh Khánh Hòa đưa ra phương án sắp xếp, sáp nhập còn 39 xã, phường và 1 đặc khu Trường Sa.

Tỉnh Khánh Hòa dự kiến còn 39 xã, phường và 1 đặc khu Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hà

Tỉnh Khánh Hòa dự kiến còn 39 xã, phường và 1 đặc khu Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hà

Về việc đặt tên xã, phường mới, phần lớn xã, phường mới của tỉnh Khánh Hòa lấy tên huyện, thị xã, thành phố hiện tại làm tên một phường, xã mới. Các xã, phường còn lại cũng được đề xuất lấy tên huyện, thị xã, TP hiện tại có gắn thêm số thứ tự.

Tuy nhiên, theo danh sách tổng hợp từ các huyện, thị xã, TP, phần lớn 39 xã, phường mới đều không được đề xuất tên mới có gắn số thứ tự như trên, mà có thêm từ chỉ phương hướng.

Ví dụ, TP Nha Trang đề xuất, ngoài phường Nha Trang sẽ có 2 phường mới được đặt tên là phường Bắc Nha Trang và phường Nam Nha Trang.

TP Cam Ranh đề xuất 5 phường: Cam Ranh, Ba Ngòi, Cam Linh, Bắc Cam Ranh và Nam Cam Ranh.

Trước những đề xuất khác nhau này, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc đặt tên gọi mới cho các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp là quyền của địa phương và người dân. Tỉnh khuyến khích, ủng hộ địa phương lấy tên gọi là tên những địa danh đã đi vào lịch sử, ký ức, thương hiệu.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-y-kien-dan-nhieu-tinh-thanh-bo-cach-dat-ten-xa-phuong-theo-so-1-2-3-2394069.html
Zalo