Nỗi 'ám ảnh mùa Đông': Dịch cúm đang có diễn biến mới thế nào?

Những ngày tháng 2 hiện tại, đối mặt với rét lạnh, dịch cúm vẫn có xu hướng tăng mạnh ở nhiều quốc gia, châu lục, trong đó có các quốc gia Châu Á và Việt Nam.

Theo quan sát, thời điểm giữa tháng 2, dịch bệnh ở một số quốc gia được cho là đã ở trong giai đoạn đỉnh điểm. Số ca mắc và tử vong do cúm liên tục tăng, khi không khí lạnh là một tác nhân gây nhiễm virus cúm.

Nước Mỹ phải hứng chịu khủng hoảng do dịch cúm, nhiều trường học đã trở thành các cụm dịch nhỏ

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này đang hứng chịu một mùa cúm dữ dội và các bệnh viện đang trong tình trạng khủng hoảng.

Theo Reuters, các bệnh viện hiện đang chật kín bệnh nhân cúm. Các bệnh nhân này đã tiến triển thành viêm phổi và suy hô hấp. Việc tăng cao các ca nhập viện khiến hệ thống bệnh viện của Mỹ lâm vào tình trạng quá tải. Áp lực đè nặng lên hệ thống y tế nói chung và đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế.

Thậm chí, tại Mỹ, nhiều trường học đã trở thành các cụ dịch nhỏ vì trẻ em lây nhiễm chéo cho nhau.

Theo CDC, hiện đã có ít nhất 24 triệu ca bệnh, 310.000 ca nhập viện và 13.000 ca tử vong do cúm trong mùa này (2024 - 2025). Cơ quan này cho biết trong báo cáo giám sát cúm hằng tuần rằng hoạt động cúm theo mùa vẫn đang tiếp tục gia tăng trên khắp cả nước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tuần cuối năm 2024, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu do virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp (RSV) và các virus khác như human metapneumovirus (HMPV), vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.

Dịch cúm gia tăng nhanh chóng tại Châu Á

Nhiều quốc gia tại châu Á cũng đang phải đối mặt với dịch cúm tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ tháng 12/2024, Nhật Bản chứng kiến số ca nhiễm cúm tăng đột biến, cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Hàn Quốc, Trung Quốc, tỉ lệ mắc cúm cũng gia tăng nhanh chóng.

Ở Nhật Bản, số lượng bệnh nhân mắc cúm mùa chiếm con số áp đảo so với các bệnh khác với đỉnh điểm là vào cuối tháng 1. Ước tính số bệnh nhân trên toàn quốc trong tuần tính đến ngày 19/1 là khoảng 386.000 người và tổng số bệnh nhân trong mùa cúm kể từ ngày 2/9/2024 là khoảng 9.523.000 người. Cuối năm 2024, giới chức y tế Nhật Bản đã thông báo số ca bệnh cúm mùa vào thời điểm cuối năm ở mức cao nhất trong 10 năm qua.

Nhật Bản ước tính nếu tính cả chi phí điều trị cúm và ảnh hưởng kinh tế do người lao động phải nghỉ ốm, thì mùa cúm năm 2025 có thể gây thiệt hại lên tới khoảng 6.300 tỉ yen, khoảng hơn 41 tỷ USD.

Kể từ đầu tháng 1, Hàn Quốc cũng trải qua đợt dịch cúm lan rộng nhất kể từ năm 2016 với số ca bệnh tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tỷ lệ người nghi mắc cúm khoảng 74 người trên 1.000 lượt khám tại 300 cơ sở y tế, tăng 136% so thời điểm cuối năm ngoái. Tỷ lệ này tiến gần đến mức đỉnh 86,2 vào năm 2016.

Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), trong tuần cuối tháng 1, số người có triệu chứng cúm đã vượt mốc cao nhất trong vòng 10 mùa dịch gần đây. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Đài Loan (Trung Quốc) cho biết dịch cúm hiện đã bước vào giai đoạn bùng phát và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong 1 - 2 tuần tới trước khi giảm dần.

Cúm mùa gây quá tải bệnh viện châu Âu trong nỗi "ám ảnh" mùa Đông

Mùa đông tại các quốc gia Châu Âu luôn là "nỗi ám ảnh" bởi dịch bệnh. Năm 2025, các quốc gia Châu Âu cũng không nằm ngoài vòng xoáy của sự bùng phát mạnh mẽ của dịch cúm tại nhiều quốc gia châu Âu.

Yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính giải thích lý do mọi người dễ mắc cúm vào mùa này, đặc biệt sau khi hệ miễn dịch đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt dịch COVID-19.

Việc ảnh hưởng lên hệ miễn dịch sau đợt dịch COVID-19 là một nguyên nhân dễ mắc cúm. Ảnh minh họa: IT

Việc ảnh hưởng lên hệ miễn dịch sau đợt dịch COVID-19 là một nguyên nhân dễ mắc cúm. Ảnh minh họa: IT

Theo đó, các cơ sở y tế của nước Bỉ đã quá tải do dịch cúm. Nhiều bệnh viện quá tải, 85% các bác sĩ cho biết khối lượng công việc của họ là rất nặng khi nhân viên y tế và thậm chí cả những người đã tiêm vaccin cũng có thể bị nhiễm bệnh. Viện y tế công cộng Sciensano Bỉ cho biết trong tuần qua, số lượng bệnh nhân mắc cúm tới khám tại các cơ sở y tế đã gia tăng, lên tới 1.199 người trên 100.000 dân và trên thực tế, con số này thậm chí có thể còn cao hơn.

Cộng hòa Séc có thể đang ở đỉnh dịch trong mùa cúm năm nay. Tỷ lệ người mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lên tới 86% trong tuần đầu của tháng 2/2025, với số ca mắc cúm là 2.219 bệnh nhân trên 100.000 dân. Viện Y tế Công cộng Nhà nước cộng hòa Séc cho biết số bệnh nhân đã giảm 1,4% so với tuần cuối tháng 1/2025.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Công cộng Pháp, dịch cúm cuối cùng cũng đã có dấu hiệu giảm nhiệt vào cuối tuần qua khi ghi nhận có ít cuộc tư vấn với bác sĩ hơn và tỷ lệ nhập viện giảm. Tại Pháp, bệnh cúm dễ lây lan hơn bình thường với sự lưu hành cùng lúc của 3 loại virus cúm AH1N, H3N2 và cúm B. Điều này khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.

Romania đã ghi nhận số ca nhiễm trùng đường hô hấp và cúm ở mức "kỷ lục", vượt quá 170.000 ca trên toàn quốc từ ngày 27/1 - 2/2. Các bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng quá tải khi tỷ lệ nhập viện do cúm là 6,6/100.000 dân.

Nam Bán cầu không ngoại lệ khi hệ thống giám sát bệnh tật quốc gia Australia cho biết, trong tuần đầu tiên của năm 2025, nước này đã ghi nhận 1.055 ca mắc cúm. Các chuyên gia y tế Australia đã cảnh báo có khả năng sẽ xảy ra một mùa cúm nghiêm trọng trong năm 2025 tại nước này, khi khu vực Bắc bán cầu đang có sự gia tăng các ca bệnh.

Về mặt tổng thể, cúm mùa vẫn đang lây lan nhanh, đặc biệt ở trẻ em. Cơ quan y tế nước này chỉ rõ mức độ nhập viện rất cao ở những người dưới 15 tuổi và vẫn cao ở những người từ 65 tuổi trở lên. Số lượng người dân trên toàn cầu có xu hướng gia tăng bởi nhiễm vi-rút cúm. Thậm chí, nhiều trường hợp đã tử vong.

Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế đã và đang cùng chung tay đối phó với dịch bệnh, mọi biện pháp được triển khai tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam để ngăn ngừa dịch bệnh không phát triển mạnh.

Theo các bác sỹ, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể thao đều đặn, giữ ấm và không tự ý dùng thuốc sẽ giúp cơ thể con người tự sản sinh ra kháng thể chống bệnh cúm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Việc du lịch giữa các quốc gia cũng được khuyến cáo giảm nhẹ, tuy nhiên, nếu khách du lịch quốc tế có tình trạng sức khỏe ổn định, việc khuyến nghị đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp an toàn sẽ vẫn duy trì một nhịp sống bình thường trên toàn thế giới.

Nguồn: VGP

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/noi-am-anh-mua-dong-dich-cum-dang-co-dien-bien-moi-the-nao-179250216142908726.htm
Zalo