Bảo hiểm BIDV (BIC): Lên kế hoạch lợi nhuận 710 tỷ, tăng vốn lên 2.020 tỷ đồng

Năm 2025, bảo hiểm BIDV (BIC) lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm đạt 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 710 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 9% so với năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều rủi ro, doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, cải thiện hiệu quả đầu tư.

Ngày 8/5, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) đã tổ chức ĐHĐCĐ 2025.

 ĐHĐCĐ 2025 của BIC. Ảnh: Mai Trang.

ĐHĐCĐ 2025 của BIC. Ảnh: Mai Trang.

Theo tài liệu trình đại hội, HĐQT lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu phí bảo hiểm (theo báo cáo riêng lẻ công ty mẹ, bao gồm doanh thu khác từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm) đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến đạt 710 tỷ đồng, tăng 9% so với kết quả năm 2024. Cổ tức dự kiến chia 10% bằng tiền mặt.

Kế hoạch kinh doanh được BIC xây dựng dựa trên những dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, tuy có những cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

BIC dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết các chuyên gia giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức 3,2% như đã công bố vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về những rủi ro như xung đột leo thang tại Ukraine, căng thẳng thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc, có thể tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa và sản lượng kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 được kỳ vọng đạt khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%, GDP bình quân đầu người ước đạt 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP dự kiến đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Về giải pháp kinh doanh năm 2025, BIC sẽ tập trung nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường, phát triển sản phẩm mới (đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, con người), và gia tăng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong danh mục đầu tư để cải thiện hiệu quả sinh lời trong bối cảnh lãi suất tiền gửi dự kiến duy trì ở mức thấp.

Trong năm 2024, BIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 34%, đạt hơn 1.188 tỷ đồng, nhờ chi phí tăng chậm hơn doanh thu. Ngược lại, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính giảm 5%, còn 373 tỷ đồng, do lãi tiền gửi giảm 20% xuống còn 253 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 600 tỷ đồng, BIC đã vượt 8% mục tiêu đề ra.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 2.020 tỷ đồng. Chủ tịch Trần Xuân Hoàng cho biết, xét về nhu cầu và quy mô kinh doanh, việc tăng vốn điều BIC là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo BIC, việc tăng vốn điều lệ của công ty là một đòi hỏi rất cấp thiết nhằm tăng năng lực tài chính trong hoạt động bảo hiểm, mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp.

Hiện nay mức vốn điều lệ của BIC ở mức gần 1.173 tỷ đồng, theo kế hoạch được trình tại đại hội, HĐQT BIC dự kiến nâng vốn lên 2.020 thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Dự kiến, BIC sẽ phát hành gần 84,8 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:72,3 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được phát hành thêm 72,3 cổ phiếu mới), với mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cp.

Tổng giá trị phát hành dự kiến là hơn 847,9 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty theo báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán bao gồm thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian thực hiện trong năm 2025, sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Nếu thực hiện xong phương án này vốn điều lệ của BIC sẽ tăng từ 1.173 tỷ lên 2.020 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 72%.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo BIC cũng cho biết trong giai đoạn 2026-2030 công ty sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng bằng cổ phiếu sẽ được phê duyệt hằng năm căn cứ tình hình kinh doanh thực tế.

Tập trung vào tài sản kĩ thuật, xe cơ giới trong thời gian tới

Trả lời câu hỏi của cổ đông về động lực tăng trưởng doanh thu trong kế hoạch năm 2025 (mục tiêu 5.600 tỷ đồng), Tổng Giám đốc Trần Hoài An cho biết, BIC hoạt động toàn diện trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Những năm trước, bancassurance (Hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) chiếm 40–50% tổng doanh thu. Tuy nhiên, năm nay kênh này có dấu hiệu chững lại.

“Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh bán lẻ và tài sản kỹ thuật. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ số ở hai mảng này đều tăng trưởng tốt, tuy nhiên chúng tôi đặt kỳ vọng cao hơn”. ông An chia sẻ. Theo đó, những sản phẩm chủ lực BIC sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới gồm bảo hiểm tài sản kỹ thuật và xe cơ giới.

Ngoài ra, một số cổ đông bày tỏ quan tâm đến kết quả kinh doanh năm qua của công ty, trong bối cảnh doanh nghiệp phải chi trả hơn 750 tỷ đồng bồi thường thiệt hại do bão Yagi. Trả lời tại hội nghị, Ban chủ tọa khẳng định: Dù chi phí bồi thường lớn, BIC vẫn hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Tổng Giám đốc Trần Hoài An cho biết, bão Yagi đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của BIC, đặc biệt ở các lĩnh vực tài sản con người và xe cơ giới. “BIC đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng với số tiền 600 tỷ đồng. Tất cả các hoạt động liên quan đến bão Yagi đã được phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh,” ông An khẳng định.

Hiện tại, công ty còn khoảng 60 bộ hồ sơ tồn đọng do khách hàng chưa cung cấp đủ giấy tờ. Đối với các hồ sơ đã đầy đủ, BIC chưa phát sinh trường hợp nào phải đưa ra tòa. “BIC cam kết với khách hàng như thế nào thì thực hiện như thế đó. Đến thời điểm này, khách hàng đều đồng thuận với cách xử lý bồi thường của BIC”, ông An nói.

Liên quan đến thị phần bảo hiểm sức khỏe – một mảng có đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu – cổ đông đặt câu hỏi về chiến lược cạnh tranh khi một số ngân hàng như VPBank, Techcombank đang xúc tiến thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ riêng để hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.

Ông Trần Hoài An nhận định, việc các ngân hàng thành lập công ty bảo hiểm là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. “Đối với BIC, chúng tôi đi theo lộ trình riêng. Các sản phẩm bảo hiểm cá nhân dù tăng trưởng không bằng mọi năm nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ”, đại diện doanh nghiệp nói nói.

Đánh giá về cạnh tranh trong mảng bảo hiểm sức khỏe, ông An cho rằng đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có chính sách xuyên suốt, bảo vệ quyền lợi khách hàng rõ ràng, mức phí hợp lý, những yếu tố then chốt để sản phẩm đứng vững trên thị trường.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bao-hiem-bidv-bic-len-ke-hoach-loi-nhuan-710-ty-tang-von-len-2020-ty-dong.html
Zalo