Nỗ lực xây dựng văn hóa học đường

Xây dựng văn hóa học đường là một nhiệm vụ lâu dài, trọng tâm và cấp thiết của mỗi địa phương, của toàn ngành Giáo dục, của từng cơ sở giáo dục. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; quan niệm về văn hóa, đạo đức trong giới trẻ có nhiều thay đổi; công tác giáo dục văn hóa, đạo đức học đường có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ... nên có lúc, có nơi, văn hóa học đường xuống cấp; một số vụ việc liên quan đến văn hóa và đạo đức học đường xảy ra. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi phải có sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội cùng xây dựng văn hóa học đường.

Theo chia sẻ của đồng chí Trần Ngọc Nam, Bí thư Tỉnh đoàn, văn hóa học đường là nền tảng giúp học sinh phát triển nhân cách, kỹ năng xã hội, và tinh thần trách nhiệm. Một môi trường học đường có văn hóa là nơi học sinh được khuyến khích học tập, sáng tạo, phát triển bản thân một cách toàn diện và cảm thấy an toàn, được tôn trọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa học đường, thời gian qua, Tỉnh đoàn Hà Nam đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai các chương trình giáo dục về giá trị đạo đức và nhân cách, giúp học sinh hiểu và thực hành các chuẩn mực xã hội. Các diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường,” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cùng sự phát triển của các loại hình câu lạc bộ kỹ năng sống đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Việc giáo dục giá trị sống cho học sinh được các nhà trường chú trọng, tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy tích cực, có tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng; nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống... Với những biện pháp tích cực đó đã góp phần không nhỏ vào việc giảm nhanh tình trạng bạo lực học đường, xây dựng trường học văn hóa.

Cô giáo Vũ Thị Thơ, giáo viên phụ trách Phòng Tâm lý học của Trường THPT A Phủ Lý cho biết: Với sự phát triển của mạng xã hội và các thiết bị công nghệ thông minh như hiện nay đã giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin, chia sẻ và giao lưu tình cảm. Tuy nhiên, do chưa được hướng dẫn, tư vấn về việc sử dụng mạng xã hội tích cực; thiếu sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý chặt chẽ học sinh; một bộ phận học sinh còn thiếu kỷ luật và ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện..., khiến học sinh dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và lối sống của các em. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng bạo lực học đường, suy giảm văn hóa học đường. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, phối hợp từ nhiều phía để xây dựng môi trường, văn hóa học đường tích cực, hạnh phúc.

Giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa và đội ngũ giáo viên toàn ngành Giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Ảnh: Thanh hà

Giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa và đội ngũ giáo viên toàn ngành Giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Ảnh: Thanh hà

Đối với các nhà trường, để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, văn hóa, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng giáo dục, bao gồm giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội; bởi văn hóa học đường bao hàm nhiều mối quan hệ: giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, nhà trường với giáo viên, nhà trường với học sinh, nhà trường với gia đình, xã hội với học sinh,… Trong đó, giáo viên và gia đình sẽ là nhân tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, tư duy, thói quen sống của học sinh; góp phần không nhỏ xây dựng và duy trì văn hóa học đường. Ở đó, người giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người định hướng, tạo động lực và nuôi dưỡng các giá trị nhân văn cho học sinh. Việc tạo ra các quy tắc, tiêu chuẩn hành vi ứng xử trong lớp học, thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực... cũng là một phần trách nhiệm của giáo viên. Đặc biệt, giáo viên cần làm gương cho học sinh, bởi hành động và thái độ của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách mà học sinh nhìn nhận và đối xử với nhau.

Bên cạnh đó, môi trường gia đình cũng vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi học sinh, mỗi đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đã từng xảy ra bạo lực, đứa trẻ ấy rất dễ cho rằng bạo lực sẽ là cách giải quyết mọi vấn đề và có xu hướng bạo lực với các bạn trong lớp. Hoặc khi gia đình quá đặt nặng thành tích học tập cho con quá mức cùng với sự phát triển phức tạp về mặt tâm sinh lý, học sinh sẽ dễ rơi vào tình trạng stress... Do đó, gia đình cần dành thời gian, sự quan tâm, yêu thương, thấu hiểu cho các con để là nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhân cách của con em khi đến trường và tham gia hoạt động ngoài xã hội...

Xã hội, cộng đồng là nguồn lực không thể thiếu trong việc tạo nên một môi trường học đường văn hóa. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, công tác tuyên truyền có thể hỗ trợ nhà trường trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa như phòng chống bạo lực học đường, giáo dục giới tính, và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sự tham gia của cộng đồng giúp lan tỏa các giá trị văn hóa học đường ra ngoài trường học, đồng thời tạo điều kiện để học sinh có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng sống và trưởng thành toàn diện. Một nhà giáo chia sẻ: Văn hóa học đường là nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục, là cầu nối đưa thế hệ trẻ tới những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và nhân văn. Tuy vậy, xây dựng văn hóa học đường là một công việc quan trọng, lâu dài, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi; nếu chỉ riêng ngành GD&ĐT thì không thể làm được mà phải có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và phải kiên quyết và kiên trì thực hiện mới có thể thành công...

Hà Trang

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/no-luc-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-140362.html
Zalo