Thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên cần chuẩn bị những thủ tục gì?
Để thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cần chuẩn bị những thủ tục gì? Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan để bạn đọc tham khảo.
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là gì?
Hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên là sự phân loại thể hiện cấp bậc, trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên trong lĩnh vực giáo dục. Các hạng chức danh này được xác định dựa trên các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và các Bộ/Ngành liên quan:
CDNN giáo viên hạng 3 là bậc thấp nhất, áp dụng cho ứng viên trúng tuyển vào nghề giáo viên thông qua kỳ thi viên chức. Đây là bước đầu tiên để giáo viên có thể thăng tiến lên các hạng chức danh cao hơn.
CDNN giáo viên hạng 2 là bậc tiếp theo, có thể thăng chức từ hạng 3. Giáo viên trong hạng này có cơ hội thăng tiến lên hạng 1 nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn đánh giá cao hơn.
Hạng chức danh cao nhất là giáo viên hạng 1, chỉ dành cho những giáo viên đã thăng chức từ hạng 2. Để đạt được hạng chức danh này, giáo viên phải chứng minh được trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn xuất sắc hơn so với các hạng khác.
Các hạng CDNN giáo viên này không chỉ thể hiện sự phân cấp và chuyên môn của người giáo viên mà còn là động lực thúc đẩy giáo viên nâng cao trình độ và năng lực để góp phần xây dựng và phát triển chất lượng giáo dục trong xã hội.
Việc thăng hạng CDNN không phải được thực hiện tùy tiện mà phải tuân thủ các quy định của pháp luật thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng CDNN.
Thủ tục xét thăng hạng giáo viên
Hồ sơ cần chuẩn bị xét thăng hạng giáo viên
Hồ sơ xét thăng hạng giáo viên được quy định chi tiết tại Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Cụ thể:
- Sơ yếu lý lịch viên chức được lập trước chậm nhất 30 ngày tính đến hạn cuối nộp hồ sơ thăng hạng và cần phải có xác nhận của cơ quan đang sử dụng giáo viên đó.
- Bản đánh giá, nhận xét của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng giáo viên đó hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trường học về các tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng giáo viên.
- Văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên xét thăng hạng (bản sao).
Riêng trường hợp giáo viên đã chuẩn đầu ra Ngoại ngữ, Tin học được sử dụng thay thế chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học (nếu hạng chức danh thăng hạng có yêu cầu). Nếu giáo viên được miễn Ngoại ngữ, Tin học thì được miễn chứng chỉ này.
- Các yêu cầu khác.
Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên
Xét thăng hạng giáo viên từ hạng II lên hạng I
Thông qua:
- Xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.
- Kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm bằng trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.
Trắc nghiệm: Làm trong 60 phút tối đa không quá 60 câu hỏi, gồm các câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục, nhiệm vụ của nhà giáo; chấm theo thang điểm 30; thực hiện trên giấy/máy tính.
Phỏng vấn: Không quá 15 phút/thí sinh liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo; chấm thang điểm 30 và thực hiện trực tiếp với từng người.
Xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II
Thông qua xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng với tiêu chuẩn chức danh của mỗi cấp học.
Cách xác định giáo viên đạt yêu cầu xét thăng hạng giáo viên
Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 34, giáo viên được xem là trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ hồ sơ kèm minh chứng.
- Xét từ hạng II lên hạng I: Điểm chấm hồ sơ đạt 100 điểm, điểm kiểm tra và sát hạch đạt từ 15 điểm trở lên; xét từ hạng III lên hạng II: Điểm chấm hồ sơ đạt 100 điểm.
- Nếu hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn trên nhiều hơn số chỉ tiêu được giao:
Xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Lấy điểm kiểm tra, sát hạch từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.
Xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Sử dụng nhiệm vụ của hạng II làm căn cứ xét thăng hạng. Lấy điểm chấm minh chứng từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu về các nhiệm vụ của hạng II mà hạng III đã thực hiện trong 06 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ xét thăng hạng.
Đặc biệt, nếu có 02 người có điểm bằng nhau trở lên ở chỉ tiêu cuối cùng thì thực hiện lấy người trúng tuyển theo thứ tự sau đây:
- Giáo viên là nữ.
- Giáo viên là người dân tộc thiểu số.
- Giáo viên nhiều tuổi hơn tính theo ngày, tháng, năm sinh.
- Giáo viên có thời gian công tác nhiều hơn.
Trường hợp không xác định được thì quyền quyết định chọn ai sẽ do người đứng đầu cơ quan tổ chức xét thăng hạng quyết định sau khi có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức.