Nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân

Chiều 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: Trần Hải).

Cùng dự Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Phiên họp đã công bố Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất thực hiện quyền hành pháp. Việc tổng kết, hoàn thiện xem xét cơ cấu tổ chức của Chính phủ là các cơ sở quan trọng để nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu phù hợp bối cảnh tình hình mới, đáp ứng mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Đảng.

Quang cảnh Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Trần Hải)

Quang cảnh Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Trần Hải)

Căn cứ nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo; như vậy, chúng ta xem xét lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến XV để tập trung thống nhất chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ triển khai nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và của Chính phủ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ nhất. (Ảnh: Trần Hải)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ nhất. (Ảnh: Trần Hải)

Hôm nay, Ban Chỉ đạo tổ chức Phiên họp đầu tiên để công bố việc thành lập Ban Chỉ đạo; trao đổi thống nhất kế hoạch tổng kết, đề cương báo cáo tổng kết 20 năm về tổ chức bộ máy với tinh thần Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, có bộ máy phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xem xét lại tổ chức bộ máy trong 20 năm qua nhằm đánh giá hoạt động “đúng, trúng” mục tiêu đề ra chưa? Việc tổ chức bộ máy như vậy qua các thời kỳ đã từng bước hoàn thiện chưa? Chúng ta xem xét khách quan như vậy đã phù hợp chưa ? Chưa phù hợp ở điểm nào về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn? Trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo đề xuất phương án phù hợp tình hình đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, cũng như giai đoạn đổi mới, tiếp tục khẳng định sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong đó có đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới hoạt động các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Mục tiêu chúng ta đề ra là xây dựng được kế hoạch tổng kết cụ thể, hợp lý, khả thi, trong đó có phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan; xây dựng báo cáo tổng kết có hệ thống toàn diện, đánh giá kết quả đạt được, nêu hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các định hướng, giải pháp, kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đúng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Trần Hải)

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Trần Hải)

Mục tiêu và nhiệm vụ, phạm vi của phiên họp là xác định chương trình, kế hoạch, định hướng của Ban Chỉ đạo để bảo đảm hiệu quả. Từ nay đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng chỉ còn hơn 1 năm, do đó chúng ta phải báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc tổng kết 20 năm hoạt động của Chính phủ, đề ra nhiệm vụ giải pháp, xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động vì nhân dân phục vụ.

Đại diện các bộ, ngành Trung ương tham dự Phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Đại diện các bộ, ngành Trung ương tham dự Phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Chúng ta thống nhất chủ trương, thống nhất cách làm, hoạt động, trên cơ sở đó sẽ có khảo sát, đánh giá, hệ thống lại các hoạt động của Chính phủ, bộ máy của Chính phủ để bảo đảm Chính phủ đúng nghĩa là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước thực hiện quyền hành pháp.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ nhiệm kỳ XII đến nhiệm kỳ XV với nhiều nội dung khó, phức tạp, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng; liên quan rà soát, điều chỉnh, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ qua nhiều nhiệm kỳ. Do đó, việc tổng kết đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, trong đó có vai trò rất quan trọng của các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ tổng kết của bộ, ngành mình và ngành, lĩnh vực được Ban Chỉ đạo phân công để việc tổng kết đảm bảo sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục tiêu, kết quả cao nhất.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện tổng kết, có báo cáo trước ngày 31/12/2024; phải phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”; kế hoạch khảo sát mô hình cần tập trung một số nước có đặc điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế, chính trị, điều kiện phát triển với Việt Nam ở châu Á. Cho biết, việc tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ liên quan đến nhiều Luật do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng; các cấp, các ngành phải có báo cáo trên nền đề cương chung, thống nhất từ cơ sở dữ liệu, số liệu… để dễ tổng hợp; ngoài ra, một số ngành có nhiệm vụ báo cáo một số nội dung mang tính đặc thù.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổng kết, trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định ban hành để tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết; gửi văn bản tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đánh giá việc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình, đặt trong tổng thể mối quan hệ giữa Chính phủ và hệ thống chính trị.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ trì xây dựng các Báo cáo đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ các nhiệm kỳ Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV; rà soát các vấn đề giao thoa trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đề xuất giải pháp khắc phục, gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp trên tinh thần cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, cái gì còn hạn chế, vướng mắc thì sửa đổi, bổ sung.

Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu tổng kết phải nghiên cứu, đánh giá có hệ thống, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 4 nhiệm kỳ Chính phủ; đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XVI và nhiệm kỳ tiếp theo; lưu ý mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan của hệ thống chính trị. Do đó, công tác tổng kết phải đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề xuất các định hướng, giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm đầu mối bên trong, tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm tiêu cực, phiền hà; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ.

Về phạm vi tổng kết, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Đảng; rà soát các vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước và phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực; nghiên cứu các quy định của Đảng để đề xuất định hướng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI và giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao xây dựng Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bộ máy của Chính phủ; Bộ Nội vụ xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các Hội thảo trong nước để tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; đồng thời tổ chức đoàn khảo sát ở nước ngoài, nhất là các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Bộ Nội vụ đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ của các bộ, ngành; trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất thì báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì xem xét, chỉ đạo.

Tin: Thanh Giang; Ảnh Trần Hải

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-xay-dung-chinh-phu-liem-chinh-hanh-dong-phuc-vu-nhan-dan-post822926.html
Zalo