Hà Nội: Báo động lũ trên sông Cầu tại huyện Sóc Sơn
Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, ứng phó với thiên tai.
Căn cứ vào mức nước sông Cầu tại Lương Phúc (huyện Sóc Sơn) hồi 22h40 ngày 9/9/2024 là 8,02m, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội đã ra lệnh báo động lũ mức III trên sông Cầu tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Cùng ngày, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện thị xã về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ngày 9/9/2024, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 8/9 đến 8h ngày 9/9 có nơi trên 200mm như: Tân Phượng (Yên Bái) 324.2mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 281.6mm, Việt Tiến (Lào Cai) 243.4mm, Nấm Dẩn (Hà Giang) 230.4mm,...
Hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Trạm Bảo Hà (Lào Cai) hồi 13h ngày 9/9/2024 là 60,73m, đang vượt trên BĐ3 là 3,73m. Mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh do hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, cùng với đó hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt; trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình tăng cao do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (hiện đang mở 2 cửa xả đáy).
Vì vậy, mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẽ lên nhanh (mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội: hồi 15h ngày 8/9 là 4,25m; hồi 15h ngày 9/9 là 7,04m, tăng 2,79m), lưu tốc dòng chảy lớn do chịu ảnh hưởng của lũtrên các sông và điều tiết của các hồ chứa thượng lưu.
Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết nêu trên, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện một số nội dung.
Đầu tiên, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với địa bàn.
Song song với đó là tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Sẵn sàng triển khai phương án sơtán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm như: Khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...
Đồng thời, yêu cầu Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông,các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ. Di chuyển chất cháy, nổ,hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuẩn tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định.