Nỗ lực vì một nền công nghiệp quốc phòng 'Make in Vietnam'

Chỉ 2 năm sau Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần thứ nhất, các đối tác và người dân trong nước đã chứng kiến việc Việt Nam ra mắt thêm nhiều vũ khí, khí tài trang bị cho các quân, binh chủng cũng như sản phẩm lưỡng dụng hiện đại do các nhà máy quốc phòng Việt Nam trực tiếp thiết kế, thử nghiệm. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang tiến lên mạnh mẽ, phát triển theo hướng của một 'Việt Nam tự cường'.

Cách đây một thập kỷ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khởi xướng chiến lược “Make in India”. Sáng kiến này đã đưa Ấn Độ vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á. Về lĩnh vực quốc phòng, quốc gia này không chỉ nội địa hóa việc sản xuất một số lượng lớn các mặt hàng quốc phòng mà còn trở thành nước xuất khẩu vũ khí. Tới Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, đại diện liên doanh hợp tác sản xuất tên lửa Brahmos giữa Ấn Độ và Liên bang Nga (giấu tên) khẳng định đang thấy một hình ảnh “Make in Vietnam” và cho rằng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang phát triển theo hướng của một “Việt Nam tự cường”.

Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo trưng bày tại Triển lãm.

Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo trưng bày tại Triển lãm.

Dạo quanh các gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đang diễn ra tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội), dễ dàng đập vào mắt khách tham quan là một loạt các loại vũ khí, khí tài do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) làm chủ nghiên cứu và phát triển như radar cảnh giới tầm gần, radar 3D phòng không cấp chiến thuật, radar phòng không tầm trung; tổ hợp trinh sát, gây nhiễu chống phương tiện bay không người lái cấp chiến thuật; tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn gồm bệ phóng, tên lửa hành trình Sông Hồng, radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu được đặt trên khung gầm xe việt dã. Nổi bật trong số khí tài quân sự hiện đại trong nước được trưng bày ngoài trời còn có mẫu xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo.

Tiến vào bên trong khu vực trưng bày trong nhà, cùng với các gian hàng quốc tế, gian hàng của Viettel cũng khiến khách tham quan không khỏi choáng ngợp trước một loạt các sản phẩm phục vụ tác chiến hiện đại như dàn máy bay không người lái (UAV) trinh sát, chiến đấu, cảm tử, đa năng được tích hợp công nghệ tiên tiến, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV cấp chiến thuật, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming), thiết bị trinh sát ảnh nhiệt, thiết bị kính ngắm ảnh nhiệt...

Các loại UAV trưng bày tại Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Các loại UAV trưng bày tại Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Nổi bật trong khu trưng bày trong nhà tại triển lãm lần này là gian trưng bày sản phẩm của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nơi hội tụ kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và đưa vào trang bị cho Quân đội hiện nay của các nhà máy Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ngoài các sản phẩm quen thuộc như các loại đạn, súng cối, súng cao xạ, thuốc pháo..., gian trưng bày Công nghiệp quốc phòng tại Triển lãm năm nay còn có sự góp mặt của các loại UAV cho mục đích vận tải, trinh sát, chiến đấu, chữa cháy do chính các công ty thuộc Tổng cục nghiên cứu, phát triển. Điều này cho thấy trình độ, năng lực ngày càng cao của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, cũng như sự chủ động trong nắm bắt xu thế hiện nay.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), chỉ 2 năm sau Triển lãm lần thứ nhất, đã có thêm nhiều sản phẩm, kể cả những sản phẩm trong ngành vũ khí lục quân, các vũ khí quân binh chủng, cũng như những sản phẩm hiện đại do các nhà máy quốc phòng Việt Nam trực tiếp thiết kế, thử nghiệm, sản xuất được trưng bày tại triển lãm lần này. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã tiến một bước mạnh mẽ trong việc làm chủ thiết kế và chế tạo vũ khí trang bị cho quân đội. Đại tá Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh rằng, công nghiệp quốc phòng Việt Nam sẽ hợp tác với các ngành công nghiệp quốc phòng ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có chiều sâu về công nghệ quốc phòng, để có thể tạo ra các sản phẩm vũ khí và trang bị kỹ thuật phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phù hợp với cách đánh của người Việt, đảm bảo cho Quân đội Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Các sản phẩm quốc phòng tại gian trưng bay chung của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Các sản phẩm quốc phòng tại gian trưng bay chung của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Tự chủ trong quốc phòng và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu đối với phần cứng quân sự là xu hướng chung hiện nay. Nỗ lực này không những giúp giảm đáng kể chi tiêu cho quốc phòng, mà còn đảm bảo tính bảo mật, tự chủ trong sản xuất, công tác hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành, bảo trì, góp phần quan trọng vào nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng. Sau một thời gian dài phụ thuộc các nhà cung cấp nước ngoài, sự hiện diện của hàng loạt vũ khí, trang bị, khí tài “tự chủ công nghiệp quốc phòng”, trong đó có các sản phẩm mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất được xem như “giấc mơ thành hiện thực”, góp phần khẳng định bản lĩnh trí tuệ, tinh thần tự lực, tự cường của quân đội và dân tộc Việt Nam.

Không chỉ vậy, trong những ngày qua, các gian hàng của Viettel, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cùng các công ty sản xuất quốc phòng luôn tấp nập lượng khách tham quan, đặc biệt là các đối tác quốc tế đến tìm hiểu các sản phẩm, xúc tiến thương mại, đàm phát ký kết hợp đồng mua-bán các sản phẩm quốc phòng. Sức nóng lại các gian hàng trong nước là minh chứng sống động cho thấy tiềm năng vươn mình ra thị trường thế giới của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển lãm, Malaysia cũng đã trao chứng nhận, công nhận các sản phẩm thông tin liên lạc quân sự của Viettel đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho Quân đội Malaysia. Trước đó, các sản phẩm của Viettel đã trải qua quá trình thử nghiệm rộng rãi tại Malaysia trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt. Được triển khai bởi Quân đội Malaysia, vốn có kinh nghiệm trong đánh giá và thử nghiệm các sản phẩm quân sự theo tiêu chuẩn của NATO, các cuộc thử nghiệm cho thấy các sản phẩm của Viettel đã xuất sắc vượt qua tất cả các bài kiểm tra về chất lượng và hiệu suất, với một số thông số thậm chí còn vượt tiêu chuẩn của các sản phẩm tương tự được thử nghiệm tại Malaysia. Các sản phẩm thông tin liên lạc quân sự được cho là đánh dấu sự khởi đầu và đặt nền móng cho các dòng sản phẩm khác của Viettel như radar, quang điện tử, tác chiến điện tử thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á này.

Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) cũng đã ký kết hợp đồng trị giá hơn 1 triệu USD cung cấp hệ thống 5G cho thị trường Trung Đông với Công ty High Cloud Technologies của UAE.

Các đối tác tìm hiểu thông tin về sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam tại Triển lãm. Ảnh: TRUNG THÀNH

Các đối tác tìm hiểu thông tin về sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam tại Triển lãm. Ảnh: TRUNG THÀNH

Tại các gian hàng chung của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các gian hàng riêng của các công ty thuộc tổng cục, các đơn hàng cũng đang được đàm phán, tiến tới ký kết trong thời gian tới. Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hóa chất 13 (Nhà máy Z113), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là một ví dụ. Bên cạnh các sản phẩm đạn dược, thuốc nổ, các sản phẩm mới được nghiên cứu và sản xuất trong thời gian gần đây của công ty cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Theo đó, sản phẩm UAV của công ty đã chinh phục được các đối tác khó tính từ châu Âu, với 2 hợp đồng đã được ký kết. Hiện tại, Z113 cũng đang tiến hành đàm phán, tiến tới ký hợp đồng xuất khẩu các sản phẩm nổi bật của mình.

Các sản phẩm quốc phòng “Make in Vietnam” không những phục vụ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, mà còn giúp ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam khẳng định được năng lực của mình. Như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2019, “Make in Vietnam” không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn làm cho đất nước có sự hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.

Bài, ảnh: TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/no-luc-vi-mot-nen-cong-nghiep-quoc-phong-make-in-vietnam-808232
Zalo