'Kỵ sĩ Nga' S-350 đã có mặt tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Tại không gian trưng bày của Tập đoàn Almaz-Antey ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không đa dụng tầm trung S-350E Vityaz (tạm dịch: Kỵ sĩ) được giới thiệu như giải pháp bảo vệ các mục tiêu chiến thuật khỏi các cuộc tập kích đường không của đối phương, trong đó bao gồm cả các mục tiêu đạn đạo.

S-350 Vityaz là tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung đa kênh đặt trên khung gầm phương tiện cơ động do Tập đoàn Almaz-Antey phát triển. Quá trình phát triển tổ hợp vũ khí này bắt đầu từ những năm 1990 và xuất phát từ nhu cầu thay thế các sửa đổi riêng lẻ các biến thể của tổ hợp S-300 đã phục vụ nhiều năm trong biên chế Quân đội Nga.

Mô hình Tổ hợp S-350E trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.

Mô hình Tổ hợp S-350E trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.

Ý tưởng đầu tiên của S-350 Vityaz bố trí trên khung gầm xe tải việt dã Kamaz được trình diễn tại triển lãm hàng không MAKS-1999 ở sân bay Zhukovsky. Nguyên mẫu đầu tiên của tổ hợp S-350 lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2013 tại nhà máy Obukhovsky ở Saint Petersburg.

Mỗi tổ hợp S-350 Vityaz bao gồm các bệ phóng tự hành, một radar mảng định pha chủ động công suất lớn và một đài chỉ huy. Tất cả các module đều được lắp đặt trên khung gầm xe tải bánh lốp BAZ-69092-012. Các tổ hợp S-350 được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quan trọng và đội hình quân sự khỏi các cuộc tấn công bằng vũ khí tấn công đường không hiện đại. Hệ thống có thể được đặt trong tình trạng báo động trong vòng chưa đầy 5 phút.

Đạn tên lửa được trang bị trên tổ hợp S-350 là loại tầm trung 9M96 và tầm ngắn 9M100. Chúng được phóng theo nguyên tắc phóng lạnh: Bệ phóng đẩy đạn tên lửa lên độ cao hơn 30m, sau đó tên lửa điều hướng bằng động cơ ở mũi để hướng về phía mục tiêu và động cơ chính của tên lửa được kích hoạt.

Số lượng tối đa các mục tiêu khí động học bắn trúng đồng thời là 16, đối với đạn đạo là 12. Ngoài ra, S-350 Vityaz có thể dẫn cùng lúc 32 tên lửa tới các mục tiêu (2 tên lửa cho mỗi mục tiêu). Tầm bắn của S-350 đối với các mục tiêu bay chiến thuật là từ 1,5km đến 60km, trần cao từ 10km đến 30km, còn các mục tiêu đạn đạo là từ 1,5km đến 30km với độ cao đánh chặn từ 2km đến 25km.

Đánh giá về tổ hợp S-350 với hãng tin RT, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho biết, đây là tổ hợp phòng không hiện đại, nằm ở vị trí trung gian giữa tổ hợp S-300 và S-400 và thu hẹp khoảng cách giữa phòng không tầm trung và tầm xa trong hệ thống phòng thủ đa lớp.

Các thành phần chính của tổ hợp S-350. Ảnh: RT

Các thành phần chính của tổ hợp S-350. Ảnh: RT

“Điểm đặc biệt của S-350 là có nhiều tên lửa hơn trong các thùng chứa. Ngoài ra, tổ hợp này có thể bắn cả từ phương tiện chiến đấu và từ bệ phóng. Tổ hợp này giải quyết một loạt nhiệm vụ, trong đó bao gồm các nhiệm vụ được giao cho S-400”, chuyên gia Alexei Leonkov giải thích.

Tất cả các hệ thống phòng không như S-400, S-350 Vityaz, S-500 và các hệ thống phòng không khác như Pantsir-S có thể kết hợp trở thành hệ thống phòng không nhiều lớp khiến việc xuyên thủng nó không dễ dàng. Chúng có khả năng hoạt động như một hệ thống duy nhất nhờ hệ thống điều khiển tự động được ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov đánh giá, nếu S-400 chủ yếu hoạt động trên các mục tiêu lớn, bao gồm máy bay ném bom mang vũ khí tấn công tầm xa, thì các tổ hợp khác đóng vai trò ngăn chặn máy bay chiến thuật, đạn thông minh tấn công trận địa. Các tổ hợp có sự giao thoa về tầm bắn với nhau giúp tăng hiệu quả phòng không tổng thể.

Tập đoàn Almaz-Antey giới thiệu phiên bản xuất khẩu S-350E định hướng tới các quốc gia đang sở hữu tổ hợp S-300 có nhu cầu nâng cấp và các quốc gia cần vũ khí phòng không đa năng “tất cả trong một”.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-350 Vityaz. Nguồn: Army recognition

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/ky-si-nga-s-350-da-co-mat-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024-808278
Zalo