Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về Môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt và càng khó giữ vững. Khó bởi lẽ, đây là việc thay đổi nhận thức, thói quen và lối sống của người dân.

Đổi thay bắt đầu từ việc nhỏ

Đến ngày 30/3/2025, toàn tỉnh có 85/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, (UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Thái Bình, xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa và xã Bình Xa, huyện Hàm Yên). Đến nay thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1666/QĐ-TTg ngày 05/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện toàn tỉnh đã có 72 xã hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Năm 2025, mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hết năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương hoàn thành xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang duy trì, củng cố kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phụ nữ xã Tân Trào (Sơn Dương) vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Phụ nữ xã Tân Trào (Sơn Dương) vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: Xác định rõ vai trò chủ trì của Ủy ban MTTQ trong việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, MTTQ các cấp không chỉ tuyên truyền, vận động mà còn giám sát, phản biện quá trình tổ chức thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. MTTQ các cấp đều có kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể, sự kiểm tra, giám sát liên tục trong tổ chức thực hiện tiêu chí này. Có thể nói sự chủ động của chính quyền cơ sở, sự sáng tạo của các tổ chức thành viên, sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, từng người dân đều chung tay hành động vì môi trường đã tạo nên những gam màu tươi sáng, sự chuyển biến bền vững trong bức tranh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Trước đây, tập quán chăn thả gia súc, gia cầm tự do, đổ chất thải ra kênh mương, dùng túi nilon một lần... là chuyện thường tình ở nông thôn. Để tháo gỡ vấn đề này, đồng chí Ngô Minh Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đức Ninh (Hàm Yên) chia sẻ: chúng tôi tập trung đổi mới cách tuyên truyền, không chỉ nói lý thuyết tại hội trường, mà đến từng hộ gia đình, từng điểm nóng về rác thải để vận động trực tiếp. Đội ngũ cán bộ đoàn thể được giao nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kiên trì thuyết phục người dân thay đổi hành vi.

Cùng với đó, chúng tôi cụ thể hóa nội dung vệ sinh môi trường thành các tiêu chí nhỏ, dễ nhớ, dễ làm như: không vứt rác bừa bãi, không nuôi gia súc thả rông, không để nước thải chảy ra đường; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, cải tạo chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Định kỳ, các tổ chức đoàn thể đều có giám sát, công khai biểu dương, nhắc nhở các hộ dân. Cách làm này tuy tỉ mỉ, nhưng hiệu quả rõ rệt.

Ý thức người dân - hạt nhân của sự bền vững

Thực tế cho thấy, công tác vệ sinh môi trường nếu chỉ tuyên truyền một chiều thì không hiệu quả, phải huy động được sự tham gia thực chất của người dân thì môi trường mới thực sự bền vững. Đồng chí Hà Xuân Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, thôn có 141 hộ, 574 nhân khẩu. Thời gian qua, thôn đã thành lập 5 nhóm hộ gia đình, phân công đảng viên trong chi bộ gương mẫu trong tuyên truyền, vận động gia đình, người thân thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giao cho trưởng các đoàn thể làm trưởng nhóm phụ trách việc tuyên truyền, vận động bà con thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Rác hữu cơ ủ làm phân bón, rác có thể tái chế gom riêng để bán, rác khô không phân hủy được thành rác hữu cơ thì đưa vào lò đốt. Mỗi tuần một nhóm hộ gia đình thực hiện việc dọn dẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chăm sóc đường hoa trên các tuyến đường đã được phân công. Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường của thôn đã đi vào nền nếp, đường làng ngõ xóm luôn được giữ gìn phong quang, sạch đẹp.

Bảo vệ môi trường là quá trình thường xuyên, liên tục, khi đó việc xây dựng nông thôn mới mới thật sự bền vững. Chị Triệu Thị Lam Hạnh, chi hội trưởng phụ nữ thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) chia sẻ: Phụ nữ là người giữ lửa trong mỗi gia đình, khi chị em hiểu và làm gương trong việc duy trì các tuyến đường hoa, các tuyến đường tự quản, con cháu cũng làm theo, từ đó sạch nhà, đẹp xóm. Những con đường từng là bụi rậm, cỏ dại mọc um tùm, nay được thường xuyên dọn dẹp, phát quang, trồng hoa, tạo nên cảnh quan tươi sáng, mát mẻ. Người dân nhận ra: làng sạch, đường đẹp, không khí trong lành thì cuộc sống mới đáng sống, du khách đến mới muốn ở lại lâu, từ đó cũng đã lan tỏa và nhân lên ý thức sống xanh trong cộng đồng.

Câu chuyện ở làng Văn hóa Du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào không đơn lẻ, ý thức giữ gìn môi trường đã trở thành nếp sống mới, là thước đo văn minh ở các khu dân cư, đang góp phần đưa môi trường trở thành một phong trào sâu rộng, mang tính cộng đồng cao. Chị Đặng Thị Ngợi, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Trầm Ân, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) chia sẻ ban đầu việc tuyên truyền, vận động bà con dọn dẹp, vệ sinh môi trường, bà con còn chần chừ, do dự, nhưng giờ đã thành thói quen rồi, hộ nào cũng bỏ rác đúng nơi quy định, nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh chung, không ai đứng ngoài cuộc, trước đây từ chỗ mỗi người dân là đối tượng tuyên truyền, giờ đã thành chủ thể hành động, thành một phần trong cuộc sống thường nhật ở Trầm Ân.

Tiêu chí Môi trường không chỉ là một con số trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Đó là thước đo cho sự văn minh, là nền móng cho chất lượng sống, là hình ảnh của làng quê phát triển nhưng không đánh đổi môi sinh. Muốn vậy, phải kiên trì gieo những “mầm xanh” trong nhận thức, hành động. Chỉ khi môi trường trở thành thói quen, nếp sống, là niềm tự hào của mỗi người dân, thì nông thôn mới mới thật sự bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Vân

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/no-luc%C2%A0thuc-hien-tieu-chi-moi-truong%C2%A0-211785.html
Zalo