Nỗ lực phát triển du lịch

Năm 2025, huyện Thới Bình tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch, trong đó tập trung du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Mục tiêu cụ thể là phát triển thí điểm tuyến du lịch cộng đồng kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Biển Bạch Ðông và mô hình du lịch tại xã Trí Lực.

Huyện Thới Bình là vùng đất có bề dày về truyền thống cách mạng, có nhiều di tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng đang được khai thác phát triển du lịch. Hạ tầng phát triển, giao thông thuận lợi, con người dân dã, hiếu khách, kết hợp nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, góp phần tạo điểm nổi bật để thu hút du khách đến với Thới Bình.

Tiềm năng và lợi thế

Trên địa bàn huyện có 1 di tích quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh, tiêu biểu như: chùa Cao Dân (xã Tân Lộc), Ðền thờ Vua Hùng (xã Tân Phú), Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Trí Lực), chùa Rạch Giồng (xã Hồ Thị Kỷ), Ðình thần Thới Bình (thị trấn Thới Bình); Bia cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ (xã Trí Phải)...; 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghệ thuật Nhạc trống lớn của người Khmer). Bên cạnh đó, huyện có một số lễ hội được tổ chức hằng năm, thu hút được nhiều người dân, du khách đến viếng và tham quan như: Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Kỳ yên, các lễ của người Khmer (Ok Om Bok, Sene Dolta, Chôl Chnăm Thmây)...; cùng các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề (đan lục bình, đan năn tượng)... Ðây là tiềm năng và lợi thế cho địa phương phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng...

Ðền thờ Vua Hùng (xã Tân Phú) là một trong những điểm du lịch lịch sử, văn hóa tại địa phương.

Ðền thờ Vua Hùng (xã Tân Phú) là một trong những điểm du lịch lịch sử, văn hóa tại địa phương.

Nhiều năm qua, thực hiện chuyển đổi sản xuất, nền nông nghiệp của huyện đã chuyển từ độc canh cây lúa sang nuôi trồng đa cây, đa con. Trong đó, nuôi tôm - cua và trồng lúa là hai lĩnh vực sản xuất trọng điểm, tạo ra các sản phẩm hàng hóa sạch, chất lượng và đặc trưng, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, thân thiện, hướng đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðây là một trong những điều kiện thuận lợi để gắn kết, phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Theo đó, huyện có nhiều sản phẩm ẩm thực đặc trưng như: mắm lóc Thới Bình, các loại mắm khác như mắm cá sặt, cá trắm cỏ, cá phi...; khô trâu, rượu nếp cẩm, rượu gạo ST, gạo sạch, tương ớt, chả cá, tôm càng... Trên địa bàn hình thành được các điểm du lịch sinh thái cộng đồng: Vườn chim Tư Sự (xã Biển Bạch Ðông) và Vườn nho Nguyễn Thanh Thơ (xã Hồ Thị Kỷ), thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn cơ bản hoàn chỉnh và bao phủ, góp phần phát triển dịch vụ vận tải, du lịch trên địa bàn huyện.

Ðịnh hướng cụ thể, bám sát thực tế

Ông Huỳnh Thanh Hận, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết, trong phát triển du lịch, huyện có định hướng cụ thể, bám sát tình hình thực tế tại địa phương. Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Thới Bình giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, nghị quyết nhấn mạnh việc phát triển sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước theo hướng hiện đại, bền vững, dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ.

Huyện Thới Bình sẽ rà soát, định hướng các vùng sản xuất, tập trung sản phẩm chủ lực là tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Huyện Thới Bình sẽ rà soát, định hướng các vùng sản xuất, tập trung sản phẩm chủ lực là tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

UBND huyện đã phê duyệt Kế hoạch phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Ðồng thời, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật biển (MCD) tổ chức hoạt động “Tư vấn chiến lược xây dựng làng nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau’’; phối hợp với Tổ chức Mekong Organics (Úc) đào tạo, tập huấn “Kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ, phục vụ xây dựng Ðề án phát triển làng hữu cơ Trí Lực - Thới Bình - Cà Mau”. Thông qua đó, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó có hoạt động du lịch nông nghiệp của người dân trên địa bàn, cũng như thu hút, mời gọi công ty, doanh nghiệp tham gia xây dựng, hình thành nên các tour du lịch trên địa bàn huyện.

Du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm

Ông Huỳnh Thanh Hận chia sẻ, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức như: mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng các sản phẩm du lịch hiện có của địa phương chưa phong phú, chưa thật sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù của địa phương; các loại hình dịch vụ đi kèm với du lịch như: nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú, khu mua sắm, du lịch về đêm... chưa phát triển; hạ tầng giao thông dù được đầu tư nhưng chưa xứng tầm; đặc biệt là chưa thu hút được nhà đầu tư để cùng với địa phương khai thác, phát triển tiềm năng du lịch.

Theo ông Hận, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân và tạo đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Rà soát, định hướng các vùng sản xuất; tập trung sản phẩm chủ lực là tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao năng lực giám sát các dự án đầu tư nhằm giữ gìn, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, đảm bảo việc phát triển các dự án du lịch sẽ không làm mất đi các giá trị văn hóa và không phá vỡ cảnh quan tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường...

Năm 2025, huyện Thới Bình phát triển thí điểm tuyến du lịch cộng đồng kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Biển Bạch Ðông. (Trong ảnh: Không gian Vườn cò Tư Sự tại xã Biển Bạch Ðông).

Năm 2025, huyện Thới Bình phát triển thí điểm tuyến du lịch cộng đồng kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Biển Bạch Ðông. (Trong ảnh: Không gian Vườn cò Tư Sự tại xã Biển Bạch Ðông).

“Trong năm nay, địa phương phát triển thí điểm tuyến du lịch cộng đồng kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Biển Bạch Ðông (từ Vườn cò Tư Sự theo tuyến Kinh 01 đi vào 2 km, thuộc ấp Quyền Thiện) và mô hình du lịch tại xã Trí Lực. Cùng với đó, tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của huyện. Ðồng thời, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, Nhân dân và du khách về giá trị, ý nghĩa của di tích và nhân vật lịch sử được thờ tự trong di tích trên địa bàn huyện; thực hiện các hoạt động tín ngưỡng trong di tích, đảm bảo thực hiện các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở di tích diễn ra theo truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc; tuân thủ quy định liên quan đến việc bảo vệ di tích (như về trang phục, quy định về thời gian, khu vực tham quan...), lối sống văn hóa lành mạnh khi đến di tích...”, ông Hận cho biết thêm.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/no-luc-phat-trien-du-lich-a37100.html
Zalo