Người Nam Bộ cúng cá lóc ngày vía Thần Tài, chuyên gia lý giải điều đặc biệt

Mâm cúng ngày vía Thần Tài của người dân Nam Bộ nhất định phải có món cá lóc nướng nguyên con. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân của việc này.

Ngày vía Thần Tài, các hộ kinh doanh món cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ-Tân Quý luôn tấp nập người mua kẻ bán. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngày vía Thần Tài, các hộ kinh doanh món cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ-Tân Quý luôn tấp nập người mua kẻ bán. Ảnh: Hà Nguyễn

Lễ vật đặc biệt

Vào ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, bếp nướng cá của tiểu thương ở các chợ dân sinh và những hộ kinh doanh món cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ-Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM) đỏ lửa từ lúc mặt trời chưa ló dạng.

Ngày này, tại “phố cá lóc nướng mía lau” quận Tân Phú, cá lóc với nhiều trọng lượng khác nhau được người bán chuẩn bị, làm sạch từ trước. Sáng sớm, các bếp than đồng loạt đỏ lửa nướng cá khiến mùi thơm cá nướng tỏa khắp góc phố.

Tại đây, người bán bày hàng trăm con cá lóc làm sạch, nướng sẵn trên những kệ sắt nhiều tầng, sẵn phục vụ khách hàng. Khách đến, người bán đem cá đi nướng, hâm nóng lại rồi đóng gói, giao hàng.

Dù trang bị thêm nhiều bếp than, nhân viên nướng cá, đóng gói, người bán vẫn không kịp phục vụ nhu cầu của khách. Đoạn đường hẹp thường kẹt cứng bởi người dân dừng lại, chen nhau mua cá lóc nướng.

Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, tiểu thương thường chọn loại cá lóc có kích thước nhỏ để nướng. Khi nướng, người bán để cá nguyên con, không cạo vảy, cắt vây, đuôi.

Chợ tấp nập kẻ bán, người mua. Cá lóc nướng vàng được xếp thành từng dãy trên quầy hàng, tỏa hương thơm nức.

Chị Dung, chủ một điểm bán cá lóc nướng mía lau trên đường Tân Kỳ-Tân Quý cho biết: “Người dân quan niệm, vào ngày vía Thần Tài nếu cúng cá lóc nướng sẽ nhận được nhiều may mắn, tài lộc.

Tôi không biết quan niệm này có từ bao giờ. Chỉ biết mỗi năm nay cứ đến mùng 10 tháng Giêng là nhà nhà đi mua cá lóc nướng về cúng ở ban thờ Thần Tài, Thổ địa”.

Tại Nam Bộ, món cá lóc nướng nguyên con là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng vào ngày vía Thần Tài. Ảnh: Hà Nguyễn

Tại Nam Bộ, món cá lóc nướng nguyên con là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng vào ngày vía Thần Tài. Ảnh: Hà Nguyễn

“Ăn sao cúng vậy”

TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, tập tục cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài chủ yếu xuất hiện ở vùng Nam Bộ.

Ở Nam Bộ, tùy thuộc người Việt hay người Hoa, ngành nghề kinh doanh… lễ vật trong mâm cúng ngày vía Thần Tài cũng có sự khác nhau. Người Hoa thường cúng lợn quay, vịt quay, bánh bò…

Trong khi đó, mâm cúng của gia đình người Việt ở Nam Bộ vào ngày vía Thần Tài không thể thiếu món cá lóc nướng, bộ tam sên gồm: 1 miếng thịt luộc, 1 con cua hoặc 1 con tôm luộc và 1 quả trứng vịt luộc.

TS Hoàng Lộc lý giải: “Trong mâm cúng ngày vía Thần Tài của người Việt ở Nam Bộ luôn có món cá lóc nướng. Lễ vật này liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Thần đất, Thổ địa của người Nam Bộ xưa.

Xưa kia, cha ông vào Nam Bộ khai khẩn đất hoang, lập làng sinh sống nên có tín ngưỡng cúng thần đất, ông Thổ địa vào mùng 10 tháng Giêng. Tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài mới được người Hoa du nhập vào sau này.

Người dân tranh thủ đi mua cá lóc nướng từ lúc bình minh vừa lên. Ảnh: Hà Nguyễn

Người dân tranh thủ đi mua cá lóc nướng từ lúc bình minh vừa lên. Ảnh: Hà Nguyễn

Việc thờ cúng Thần đất, Thổ địa đóng vai trò quan trọng trong niềm tin tâm linh của người đi khẩn hoang xưa. Đối với họ, Thần đất là vị thần gần gũi, gắn với đời sống thường nhật của mình.

Vào ngày cúng vía đất, người dân Nam Bộ xưa thường cúng những món ăn gần gũi, thường dùng của mình như: Nải chuối, đĩa xôi, điếu thuốc, con cá lóc nướng…

Trong đó, cá lóc nướng trui là món ăn thường nhật, đặc trưng của người đi vỡ hoang xưa. Thế nên khi cúng vía đất, người xưa cũng dâng cúng món ăn này.

Khi cúng, người ta thường để cá nướng nguyên con, còn đuôi, vảy… Điều này thể hiện việc người xưa ăn uống đơn sơ, giản dị và quan niệm người trần ăn sao thì dâng cúng thần linh như vậy, không cầu kỳ, quá sang trọng.

Ngoài ra, cá lóc là loài cá mạnh, có khả năng sinh tồn tốt. Việc cúng cá lóc còn thể hiện ước mơ, mong cầu sức mạnh, khả năng sinh tồn mạnh mẽ của người dân Nam Bộ xưa khi phải khai khẩn, sinh sống trong hoàn cảnh dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-nam-bo-cung-ca-loc-ngay-via-than-tai-chuyen-gia-ly-giai-dieu-dac-biet-2368750.html
Zalo