Nỗ lực ở Trạm y tế Mường Và

Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Mường Và của huyện biên giới Sốp Cộp đúng ngày tiêm chủng định kỳ. Dù cơ sở vật chất được xây dựng đã lâu, nhưng với sự ngăn nắp và nhiệt tình của đội ngũ thầy thuốc nơi đây đã mang lại tâm lý thoải mái và yên tâm của hầu hết các phụ huynh khi đưa con đến tiêm phòng.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Bế con ngồi nghỉ tại phòng theo dõi sau tiêm, chị Quàng Thị Hà, bản Mường Và, chia sẻ: Ban quản lý bản thông báo lịch tiêm phòng trước mỗi đợt tiêm hằng tháng trên loa truyền thanh của bản. Đưa con đến tiêm, chúng tôi không phải chờ lâu và được bác sĩ tư vấn chăm sóc, theo dõi sau tiêm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, cho biết: Trạm có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 3 điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ và 1 nhân viên y tế cộng đồng. Ngoài ra, tại 21 bản đều có nhân viên y tế, cộng tác viên dân số hoạt động tích cực. Hằng năm, Trạm đã tham mưu cho UBND xã kiện toàn các Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch bệnh ở người và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trạm duy trì chế độ giao ban hằng tuần và họp trao đổi công tác y tế bản 2 lần/tháng, kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân và chủ động phòng, chống dịch bệnh từ cơ sở. Từ năm 2024 đến nay, Trạm Y tế xã đã khám và điều trị ban đầu cho trên 700 lượt bệnh nhân.

Các chương trình y tế, như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai và tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện hiệu quả. Trạm triển khai 5 điểm tiêm phòng tại các bản cách xa trung tâm xã; tăng cường truyền thông về phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng, giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đầy đủ trên 80%, phụ nữ mang thai được tiêm phòng đầy đủ đạt 85%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trên 30%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.

Bên cạnh đó, Trạm đã xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu, hướng dẫn nhân dân sử dụng để chữa những bệnh thông thường, như cảm cúm, ho, tiêu chảy... Kết hợp với tuyên truyền bà con thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như ăn chín, uống sôi, ngủ màn, thường xuyên dọn vệ sinh nhà ở, phòng chống muỗi sốt rét...

Anh Tòng Văn Dương, bản Hốc Một, chia sẻ: Tôi bị đau bụng, đến khám tại Trạm Y tế xã, được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, tư vấn thuốc điều trị. Ngoài ra, còn được giới thiệu công dụng chữa bệnh của từng loại cây thuốc nam có sẵn ở tự nhiên, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Trạm Y tế xã Mường Và vẫn còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn hạn chế chưa đạt chuẩn; thiếu nhân lực, cán bộ, y, bác sĩ của Trạm còn phải kiêm nhiệm nhiều chương trình; bên cạnh đó, một số người dân vẫn chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ, dẫn đến nhiều trường hợp bệnh được phát hiện muộn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Để có thể nâng cao được chất lượng y tế và đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, Trạm Y tế xã Mường Và mong muốn các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở.

Hoài Trang (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/no-luc-o-tram-y-te-muong-va-lmnafcKNg.html
Zalo