Sếp lì xì hơn 1 triệu đồng, nhân viên vẫn lười đi làm lại sau Tết

Nhiều nhân sự tại Hà Nội và TP.HCM thừa nhận cảm thấy uể oải, chán nản trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ 2025, khiến quản lý lo ngại, tìm cách thúc đẩy tinh thần.

 Nhân sự nhiều doanh nghiệp trở lại văn phòng trong tình trạng chán nản. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân sự nhiều doanh nghiệp trở lại văn phòng trong tình trạng chán nản. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Hoàng Ly (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ trước cảnh “vườn không nhà trống”.

Dù uể oải, không có tinh thần làm việc, nhân viên văn phòng 27 tuổi vẫn cố gắng có mặt ở công ty đúng giờ để nhận lì xì từ cấp trên. Tuy nhiên, phần lớn đồng nghiệp tại phòng kinh doanh của cô lại xin nghỉ phép thêm hoặc đăng ký làm việc online.

“Khoản tiền mừng tuổi hơn 1 triệu đồng không đủ sức hấp dẫn với nhiều người. Đồng nghiệp của tôi mong muốn kéo dài kỳ nghỉ Tết hơn”, Ly chia sẻ.

Sự trống vắng của văn phòng khiến những nhân sự đến công ty như Hoàng Ly không khỏi cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Cô dự đoán rằng tình trạng này chỉ có thể chấm dứt sau tuần làm việc đầu tiên.

 Văn phòng trống vắng của Hoàng Ly trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết khiến tinh thần nhân sự trở nên rệu rã ít nhiều. Ảnh: NVCC.

Văn phòng trống vắng của Hoàng Ly trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết khiến tinh thần nhân sự trở nên rệu rã ít nhiều. Ảnh: NVCC.

Hoàng Ly không phải trường hợp cá biệt. Tình trạng hụt hẫng, uể oải diễn ra ở nhiều nhân sự sau kỳ nghỉ lễ dài 9 ngày. Trong khi một số xin nghỉ phép, đăng ký làm việc từ xa, những người khác lại đến văn phòng trong tình trạng chán nản.

Từ phía doanh nghiệp, một số quản lý bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng này, tìm cách để “xốc lại tinh thần” làm việc của nhân viên. Trong khi đó, những lãnh đạo khác lại quen thuộc với cảnh tượng trên, hiểu rằng dư âm ngày Tết sẽ sớm qua đi.

Đi làm uể oải

Trước ngày làm việc đầu tiên sau Tết, sếp của Hoàng Ly nhắn tin thông báo về khoản lì xì lớn cho nhân sự khi quay trở lại văn phòng. Ly và các đồng nghiệp đều bày tỏ sự hào hứng, mong chờ trong nhóm chat.

Tuy nhiên, số lượng nhân sự thực tế có mặt tại công ty để nhận tiền mừng tuổi của bộ phận cô chỉ là 7/12. Tỷ lệ này giảm xuống còn 3/12 trong ngày làm việc thứ 2 sau kỳ nghỉ lễ.

Sau 5 năm đi làm, Hoàng Ly nhận thấy tình trạng chểnh mảng công việc sau Tết là điều khó tránh khỏi. Cô may mắn sống cùng gia đình tại Hà Nội, không phải di chuyển trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ, dễ dàng có mặt tại văn phòng hơn.

Nhiều đồng nghiệp của Ly đến từ các tỉnh thành miền Trung, phát sinh cảm giác lười quay lại Hà Nội sau 9 ngày nghỉ ngơi.

“Nếu không có một số giấy tờ cần giải quyết tại văn phòng, tôi có lẽ cũng đăng ký làm việc từ xa thêm vài ngày”, Hoàng Ly thẳng thắn chia sẻ.

Dù có mặt tại văn phòng, nhân viên kinh doanh này thừa nhận vẫn mơ màng nhìn máy tính, rơi vào tình trạng “người ngồi công ty, tâm trí ở nhà ăn Tết”. Cô liên tục đếm ngược giờ tan ca trong 2 ngày làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ.

 Đức Hải xin nghỉ phép thêm để kéo dài kỳ nghỉ lễ. Ảnh: NCVV.

Đức Hải xin nghỉ phép thêm để kéo dài kỳ nghỉ lễ. Ảnh: NCVV.

Khác với Hoàng Ly, nhân viên tổ chức sự kiện Đức Hải (24 tuổi, quận 8, TP.HCM) quyết định xin nghỉ thêm 3 ngày sau Tết, hoàn thành công việc online.

Anh cho biết khối lượng công việc trong tuần đầu năm không nhiều. Nếu trở lại văn phòng, Hải phải đối mặt với nhiều khoảng thời gian trống trong ngày. Cảm giác trì trệ, uể oải suốt 8 tiếng làm việc là điều không thể tránh khỏi.

Khi ở nhà, anh có thể giải quyết công việc nhanh chóng, gọn gàng hơn, đồng thời dễ dàng sắp xếp thời gian để xử lý nốt chuyện gia đình sau Tết. Hải ngồi vào bàn làm việc 4 tiếng buổi sáng, rồi dành cả buổi chiều để đưa mẹ đi chùa.

“Tôi chọn làm việc từ xa một cách hiệu quả thay vì đến công ty trong tình trạng chán nản, mệt mỏi”, nhân viên tổ chức sự kiện 24 tuổi cho biết.

Hơn nữa, Đức Hải chỉ về quê nhà Cần Thơ 1-2 lần/năm, muốn tranh thủ dành nhiều thời gian hơn cho bố mẹ trong dịp này. Sau khi trở lại với guồng quay công việc bận rộn tại TP.HCM, anh khó sắp xếp về thăm nhà thường xuyên.

Quản lý nỗ lực ‘xốc lại tinh thần’

Là người đầu tiên có mặt tại văn phòng sau Tết Âm lịch, Thanh Tùng (33 tuổi, quận 8, TP.HCM), trưởng phòng phát triển sản phẩm của một doanh nghiệp công nghệ, thất vọng khi nhận được hàng loạt tin nhắn xin nghỉ từ cấp dưới.

Theo thống kê của Thanh Tùng, chỉ 3/8 nhân viên của anh đến công ty. Dù văn phòng vắng vẻ, trưởng phòng này vẫn nỗ lực động viên tinh thần làm việc của nhân viên bằng cách phát lì xì và mời cấp dưới ăn trưa.

Hiểu rằng tình trạng nhân sự thưa thớt dịp đầu năm có khả năng ảnh hưởng đến tinh thần làm việc chung, Thanh Tùng khéo léo gợi ý các nhiệm vụ đơn giản, nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực cho cấp dưới.

“Tôi áp dụng chiến lược ‘lạt mềm buộc chặt’, không muốn khiến các bạn bức xúc, phản ứng ngược trong ngày đầu xuân năm mới”, quản lý 33 tuổi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Đối với nhân viên đăng ký làm từ xa, Thanh Tùng cũng nhắc tên trong nhóm chat, đưa ra yêu cầu công việc đầu năm, tránh tạo ra tình trạng bất công giữa người ở nhà và kẻ đi làm.

 Cảnh tượng nhân sự lưu luyến không khí Tết, chưa thể quay lại với guồng công việc bình thường diễn ra phổ biến. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cảnh tượng nhân sự lưu luyến không khí Tết, chưa thể quay lại với guồng công việc bình thường diễn ra phổ biến. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khác với Thanh Tùng, Đức Tuấn (35 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), phó phòng hành chính - nhân sự, không còn bỡ ngỡ trước tình trạng uể oải tại văn phòng sau Tết Âm lịch.

Anh dần quen thuộc với cảnh nhân sự cà kê cắn hạt dưa, chúc Tết và chụp hình trong tuần làm việc đầu tiên.

“Sau 3 năm làm quản lý, tôi không lạ lẫm trước tình trạng này. Đây là điều khó thay đổi, nên tôi không muốn tốn công vô ích, để các bạn chơi chán thì thôi”, Đức Tuấn chia sẻ.

Theo phó phòng này, bộ phận của anh may mắn không phải hoàn thành khối lượng công việc lớn dịp đầu năm. Công ty chưa có kế hoạch tuyển dụng cụ thể trong năm nay, giúp trách nhiệm trên vai anh bớt nặng nề.

Tuy nhiên, Đức Tuấn cũng xác định một tuần là khoảng thời gian tối đa anh cho phép cấp dưới làm việc nhẹ nhàng, thong thả. Sau đó, phó phòng này sẽ tái thiết lập guồng công việc bình thường, tránh để cảnh “tháng Giêng là tháng ăn chơi” diễn ra.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sep-li-xi-hon-1-trieu-dong-nhan-vien-van-luoi-di-lam-lai-sau-tet-post1529254.html
Zalo