Nỗ lực ngoại giao chấm dứt cuộc chiến Ukraine mơ hồ của chính quyền Trump

Tuần qua, những người lo ngại về cách chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện cam kết chấm dứt cuộc chiến Ukraine cảm thấy mất phương hướng. Loạt phát ngôn từ một số quan chức Mỹ cấp cao làm dấy lên cảm giác mơ hồ.

Tổng thống Trump lần lượt điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 12.2, sau đó giao nhiệm vụ cho cấp dưới khởi động đàm phán đồng thời để ngỏ khả năng gặp trực tiếp Tổng thống Putin tại Ả Rập Saudi.

Hai cuộc điện đàm khiến nhiều đồng minh châu Âu bị sốc, khi họ vốn đã hoang mang vì phát ngôn từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Quan chức này ngày 12.2 phát biểu trước NATO rằng kết nạp Ukraine vào khối như một phần trong thỏa thuận hòa bình là không thực tế, khôi phục biên giới năm 2014 là mục tiêu viển vông và Mỹ không triển khai quân đảm bảo an ninh cho Ukraine. Vậy mà một ngày sau ông ta dường như rút lại tất cả phát ngôn của chính mình với tuyên bố “mọi thứ đều có thể xảy ra” lúc hai bên đàm phán.

Đến ngày 14.2, Phó tổng thống Mỹ JD Vance còn gieo rắc thêm nỗi mơ hồ khi nói với tờ The Wall Street Journal rằng nước này bảo lưu vài phương án gây sức ép về phía Nga, gồm cả triển khai quân đến Ukraine. Sau đó ông lại đăng trên mạng xã hội X chỉ trích The Wall Street Journal bóp méo quan điểm của mình, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ không nên bị đưa đến nơi nguy hiểm bởi nếu làm vậy không thúc đẩy lợi ích và an ninh Mỹ.

Theo cựu Đại sứ Mỹ Daniel Fried, loạt phát ngôn trên có phần mâu thuẫn nhau nhưng lại đảm bảo Mỹ dễ đàm phán: “Họ gặp khó khăn trong đưa ra đường lối đồng nhất, tuy nhiên họ không loại trừ bất cứ khả năng nào cả. Họ che giấu lập trường trong nỗi mơ hồ không chắc chắn”.

Nhượng bộ Nga?

Loạt phát ngôn trên khiến nhiều đồng minh châu Âu cảm giác chính quyền Tổng thống Trump nhượng bộ Nga ngay cả trước khi đàm phán chính thức bắt đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhận xét cách tiếp cận này “vụng về” và “sai lầm”. Theo ông: “Tổng thống Putin không hề thay đổi lập trường đàm phán nên làm như vậy không tốt cho lợi ích phương Tây. Sẽ tốt hơn nhiều nếu thảo luận tư cách thành viên NATO cho Ukraine và trao trả lãnh thổ”.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thuộc Thượng viện Mỹ Roger Wicker chê bai Bộ trưởng Hegseth “non tay” khi nói rõ toàn bộ những gì sẽ đồng ý hoặc không đồng ý trước lúc vòng đàm phán đầu tiên diễn ra.

Người phụ trách chính của nỗ lực đàm phán cũng là câu hỏi lớn. Tổng thống Trump cho biết trong đội ngũ quan chức phụ trách có đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff (người vừa bay sang Moscow thảo luận chuyện thả một công dân Mỹ) nhưng lại không nêu tên đặc phái viên phụ trách giải quyết vấn đề Ukraine Keith Kellogg.

Cựu Đại sứ Fried cho rằng mặc dù thông điệp gửi đi gây nhầm lẫn, nhưng ưu tiên của Tổng thống Trump về Ukraine vẫn được nhìn nhận và có thể đem lại kết quả tốt. Cụ thể ưu tiên gồm đạt thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng, Ukraine được đảm bảo an ninh lẫn quân sự bởi châu Âu chứ không phải Mỹ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/no-luc-ngoai-giao-cham-dut-cuoc-chien-ukraine-mo-ho-cua-chinh-quyen-trump-229327.html
Zalo