Nỗ lực ngăn chặn bệnh truyền nhiễm

Cảnh giác với bệnh tay chân miệng

(HNM) - Những ngày qua, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trước thực tiễn này, ngành Y tế thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, khống chế...

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 9-2019, trên địa bàn thành phố có 6.573 ca mắc bệnh tay chân miệng (gồm cả ngoại trú và nội trú), tăng gần gấp đôi so với tháng trước đó.

Tính cả 9 tháng năm 2019, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng là gần 15.000 ca; có 16% số ca nhập viện điều trị và không có trường hợp tử vong. Về dịch bệnh sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 40.000 ca mắc, với 9 ca tử vong (7 người lớn và 2 trẻ em).

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), số trẻ đến thăm khám và nhập viện điều trị do mắc bệnh tay chân miệng đông. Đang chăm con điều trị tại khoa này, chị Lê Thị Ái Hòa (quận 11) cho hay, cách đây ít ngày, con gái chị bị đau họng, sốt nhẹ, sau đó thêm triệu chứng như: Nổi bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân... “Việc phát hiện và điều trị sớm giúp con tôi giảm hẳn các triệu chứng của bệnh”, chị Hòa chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, nếu như thời điểm tháng 8-2019, trung bình một ngày có khoảng 20 bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng, thì từ tháng 9 đến nay, con số này tăng lên hơn gấp đôi, với khoảng 40 đến 50 bệnh nhi, một số trường hợp nặng phải thở máy.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, tháng 10 và 11 là thời gian cao điểm về bệnh tay chân miệng nên các phụ huynh cần giữ vệ sinh cho trẻ thông qua các biện pháp đơn giản như: Rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; rửa, khử trùng đồ chơi và các đồ vật khác mà bé tiếp xúc; giặt quần áo, ga trải giường, chăn màn bằng xà phòng và nước nóng, phơi dưới ánh nắng mặt trời; tránh tiếp xúc với các bé bị nhiễm bệnh...

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết cũng đang vào mùa cao điểm. Riêng trong tháng 9-2019, toàn thành phố ghi nhận được 8.128 ca mắc sốt xuất huyết, tương đương tháng 8.

Một trong những điểm nóng nhất của bệnh dịch là xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Địa bàn này có nhiều bãi đất trống biến thành bãi tập kết rác thải, ứ đọng nước, các hộ dân giữ tập quán trữ nước mưa... tạo điều kiện "lý tưởng" để lăng quăng, muỗi vằn phát triển. Mới nhất, trên địa bàn này đã có 2 ca tử vong do bệnh này.

Theo Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, toàn huyện có hơn 930 điểm nguy cơ có thể phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết thời gian tới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã khuyến cáo đến người dân phối hợp cùng ngành Y tế trong việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở cần dọn dẹp, loại bỏ những nơi có thể chứa nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết thêm, hai ngành Y tế và Giáo dục thành phố đã ký kế hoạch liên tịch phối hợp trong hoạt động phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi trong trường học.

Song song với đó, hàng loạt lớp tập huấn về kiểm soát bệnh trong trường học cũng đã triển khai cho ban giám hiệu và nhân viên phụ trách y tế của các trường. Hiện trung tâm triển khai các đoàn giám sát, hỗ trợ các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trường học, để giảm thiểu nguy cơ lây lan của những bệnh này.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/947564/no-luc-ngan-chan-benh-truyen-nhiem
Zalo