Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao

Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Đồng Văn đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại các điểm trường lẻ, lớp ghép ở các thôn. Việc sắp xếp trường, lớp học được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao.

Năm học 2024 - 2025, huyện Đồng Văn có 51 đơn vị trường học với tổng số 992 lớp, gần 29 nghìn học sinh. Trong đó, có 104 điểm trường lẻ của các trường tiểu học; 130 điểm trường lẻ của các trường mầm non. Thực hiện sáp nhập, xóa điểm trường lẻ, năm học 2024-2025, toàn huyện đã thực hiện xóa được 39 điểm trường của 20 đơn vị trường học trên địa bàn, tương đương với tổng số 138 lớp, 1.469 học sinh. Trong đó, thực hiện chuyển toàn bộ 30 lớp với 374 học sinh, chuyển một phần 108 lớp, với 1.095 học sinh. Đến nay, học sinh sau khi chuyển về các trường chính được ở trong môi trường cơ sở vật chất, lớp học và trang thiết bị, các điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục các bậc học trên địa bàn toàn huyện từng bước được nâng lên rõ rệt.

Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sính Lủng (Đồng Văn).

Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sính Lủng (Đồng Văn).

Có mặt tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sính Lủng, ở xã Sính Lủng, chúng tôi gặp gỡ với thầy giáo Nguyễn Văn Luyên, đã có trên 10 năm dạy học ở các điểm trường. Năm học này, học sinh tại điểm trường Phìn Xả do thầy đứng lớp đã được chuyển về học tại trường chính. Vui mừng cho các em, thầy chia sẻ: “Điểm trường Phìn Xả nói riêng và các điểm trường nói chung đi lại đều rất khó khăn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, đến nay, khi chuyển về trường chính đã thuận tiện cho phụ huynh đưa con đến trường. Học sinh được học tại trường chính sẽ gặp gỡ nhiều anh, chị, bạn học, thầy, cô, nói tiếng phổ thông nhiều hơn, tự tin giao tiếp hơn. Đặc biệt, việc ăn, ngủ, sinh hoạt cũng tốt hơn rất nhiều”.

Thầy giáo Nguyễn Viết Lâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sính Lủng cho biết: Năm học 2021-2022 trên địa bàn xã Sính Lủng có 7 điểm trường; đến năm 2024-2025 thực hiện dồn điểm trường, xóa lớp ghép, hiện còn 2 điểm với 98 học sinh. Hiện, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, trình cấp trên để bố trí cơ sở vật chất, thực hiện dồn học sinh ở 2 điểm còn lại về trường chính. Việc sắp xếp, ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính đã giúp các cơ sở giáo dục tập trung cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên dạy học phù hợp, học sinh học tập ở trường chính với điều kiện đầy đủ hơn đã tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo đồng chí Hà Đình Phong, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đồng Văn: Việc sắp xếp lại cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học, sáp nhập điểm trường lẻ và xóa điểm trường luôn có sự thống nhất cụ thể về phương án, kế hoạch giữa cấp ủy, chính quyền các xã, thôn và cha, mẹ học sinh; không dồn ép khi điều kiện về cơ sở vật chất chưa cho phép. Khi thực hiện, các trường phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện về chỗ ăn, chỗ nghỉ, sinh hoạt và điều kiện đi lại, học tập của học sinh, học 2 buổi/ngày. Mỗi năm học, Phòng Giáo dục đều chỉ đạo các trường học thực hiện rà soát số học sinh, các điểm trường lẻ để từ đó dồn ghép, sắp xếp lại cho hợp lý.

Theo đó, thực hiện chủ trương xóa các điểm trường lẻ, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn huyện Đồng Văn đã tích cực vào cuộc. Đặc biệt, nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, bản đã được đầu tư xây dựng. Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trải dài khắp các ngõ, xóm trên địa bàn đã giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn. Từ đó giúp việc sắp xếp các điểm trường diễn ra thuận lợi hơn. Nỗ lực xóa lớp ghép, dồn điểm trường sẽ tạo cho các em học sinh cơ hội học tập ở môi trường thuận lợi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã vùng cao, biên giới.

Bài, ảnh: My ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202412/no-luc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-vung-cao-e8934dd/
Zalo