Nỗ lực kết thúc đàm phán thương mại: Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất
Ngày 24-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ nghe báo cáo, đánh giá tình hình và cho ý kiến về các định hướng, giải pháp, công việc tiếp theo sau vòng đàm phán lần thứ 2 hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về các định hướng, giải pháp, công việc tiếp theo sau vòng đàm phán lần thứ 2 Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: VGP
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, kết quả các vòng đàm phán vừa qua có dấu hiệu tích cực. Hai bên có cơ hội trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin, hoàn cảnh của nhau để hiểu nhau hơn, thông cảm nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay; đưa ra những định hướng tích cực cho những vòng đàm phán tiếp theo, hướng tới kết quả phù hợp, cân bằng hai bên.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, doanh nghiệp của Việt Nam đã tiếp tục tiếp xúc, làm việc với phía Hoa Kỳ bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng để góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và thúc đẩy việc đàm phán nói riêng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đàm phán, thúc đẩy mua bán các hàng hóa mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu để góp phần hướng đến cân bằng thương mại hai nước sớm nhất có thể.
Về công việc tiếp theo, Thủ tướng nêu rõ, căn cứ kết quả đã đạt được, diễn biến tình hình thực tế, khả năng đáp ứng của chúng ta, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa hai bên... để tiếp tục đàm phán, cố gắng tuyên bố kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể.
Xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường bất động sản
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản (BĐS).
Thông tin tại cuộc làm việc cho biết, hiện cả nước có khoảng 788 dự án BĐS gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, đấu thầu, nguồn vốn thực hiện dự án, thực hiện kết luận thanh tra đối với dự án… Các dự án có khó khăn, vướng mắc đang được tích cực xử lý, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề vướng mắc chưa giải quyết, chủ yếu thuộc thẩm quyền của các địa phương... Để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, các đại biểu đề xuất cần giảm các chi phí ảnh hưởng tới giá BĐS; có kế hoạch, chỉ tiêu, điều tiết các phân khúc BĐS hợp lý; xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi, lũng đoạn thị trường BĐS; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc để giảm chi phí, giảm giá BĐS và tăng nguồn cung để tăng khả năng tiếp cận BĐS của người dân, mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở. Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về pháp luật liên quan đến BĐS, nhất là các nội dung có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”. Các bộ, ngành nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc để giảm chi phí, giảm giá BĐS; tăng nguồn cung để tăng khả năng tiếp cận BĐS của người dân. “Phải quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi trong đấu giá đất, lũng đoạn thị trường BĐS, không để người dân bị lừa đảo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hình thành Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia trong tháng 6; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại về cho vay nhà ở, góp phần tăng trưởng tín dụng; cắt giảm các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhưng bảo đảm kiểm soát được; đôn đốc các ngân hàng tham gia chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng về phát triển nhà ở xã hội...