Người dân vùng cao làm giàu từ con nuôi đặc sản
Tận dụng lợi thế về diện tích vườn đồi, khí hậu mát mẻ, người dân một số huyện vùng cao đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi các con đặc sản theo hướng hàng hóa, đây được xem là hướng đi phù hợp nhờ chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi dúi mốc của hộ anh Lang Văn Cư, thôn Chiềng, xã Bát Mọt (Thường Xuân).
Bên cạnh các con nuôi phổ biến như: lợn, gà, trâu, bò, nhiều hộ dân ở các huyện vùng cao đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi các con đặc sản, bản địa mang ưu thế của địa phương như: nhím, dúi, hươu, cầy hương, vịt Cổ Lũng... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương đăng ký thương hiệu hàng hóa, xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, đồng thời tuyên truyền, quảng bá thương hiệu thông qua hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho con nuôi đặc sản.
Năm 2010, anh Nguyễn Văn Nhàn, ở thôn Phú Phượng 1, xã Phú Nhuận (Như Thanh) mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua 2 cặp nhím giống ngoài Hà Nội về nuôi. Nhờ chịu khó, kiên trì và đầu tư bài bản, đến nay gia đình đã phát triển đàn nhím với trên 100 cặp, cho thu nhập ổn định. Theo anh Nhàn, nuôi nhím khá đơn giản, chi phí đầu tư không cao, ít bị bệnh, chuồng trại không chiếm nhiều diện tích, chỉ cần phân ô, xây bằng xi măng kiên cố. Thức ăn chủ yếu là: rau, ngô, khoai. Đặc biệt, nhím ít bị bệnh, sau khoảng một năm, nhím cái bắt đầu sinh sản, năm thứ hai đẻ dày hơn. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm nhím có thể đẻ 2 lứa, trung bình từ 1 - 3 con, sau 3 tháng có thể cho xuất chuồng. Nhím trưởng thành đạt trọng lượng từ 8 - 10kg/con. Năm 2024, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng nhờ nuôi nhím thương phẩm và nhím giống.
Sau thời gian tìm hiểu về nghề nuôi hươu lấy nhung, năm 2017, bà Lê Thị Giang (thôn Đồng Sình, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh) quyết định bỏ ra hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 10 con hươu về nuôi. Vượt qua khó khăn, hiện hệ thống chuồng trại với diện tích trên 500m2 của gia đình luôn có trên 40 con hươu. "Nuôi hươu không khó, giá trị kinh tế lại cao, nguồn thức ăn có thể tận dụng các phế phẩm từ lá cây, rau, củ. Thời gian nuôi hơn 18 tháng, hươu cái trưởng thành được phối giống, hươu đực bắt đầu ra chồi nhung, sau 24 tháng hươu đực có thể lấy nhung bán. Càng nuôi lâu, nhung càng chồi nhiều, giá trị càng lớn. Trung bình 1kg nhung có giá bán trên thị trường khoảng 15 triệu đồng. Nếu tính cả bán giống, lấy nhung từ chăn nuôi hươu, mỗi năm gia đình thu về trên 300 triệu đồng tiền lãi", bà Giang chia sẻ.

Nhờ nuôi hươu, hộ gia đình bà Lê Thị Giang (thôn Đồng Sình, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh) đã có thu nhập ổn định.
Tại xã vùng biên Bát Mọt (Thường Xuân), con dúi mốc đang được một số hộ nuôi thử nghiệm, với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ghé thăm khu chăn nuôi dúi hộ anh Lang Văn Cư (SN 1988, ở thôn Chiềng) một trong những người tiên phong đưa dúi mốc về nuôi. Khu chuồng trại có diện tích không lớn, nhưng được thiết kế từng ô ngăn nắp, che chắn cẩn thận. Sau hơn 2 năm triển khai, từ 10 cặp dúi bố mẹ nuôi thử nghiệm, đến nay gia đình có hơn 200 con. Chia sẻ về bí quyết nuôi dúi ít bị bệnh, anh Cư phấn khởi cho biết: "Người nuôi dúi cần để ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn không bị mốc, hơn nữa do khí hậu vùng cao thường mát mẻ, nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn nên phù hợp cho quá trình sinh trưởng của dúi. Trung bình mỗi năm, dúi sinh sản 1 - 3 lứa, con trưởng thành đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,9kg, giá bán thương phẩm dao động gần 500.000 đồng/kg".
Thời gian qua, huyện vùng cao Bá Thước đã tích cực khai thác có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời ban hành các mức hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Ngoài việc duy trì ổn định các loại cây trồng, vật nuôi sẵn có, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ cao, góp phần tăng năng suất lao động nhóm sản phẩm lợi thế. Đa dạng hóa cây, con có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường tiêu thụ gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn... Đồng thời, phát triển thêm các mô hình chăn nuôi con đặc sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: gà ri, vịt Cổ Lũng, lợn cỏ... cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2022, huyện Bá Thước đã xây dựng thành công vịt Cổ Lũng thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bá Thước cho biết: Việc thực hiện khâu đột phá “Phát triển các sản phẩm có lợi thế để phục vụ du lịch và thị trường, giai đoạn 2021-2025” đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô, chất lượng, giá trị tăng, an toàn, hiệu quả, bền vững. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có lợi thế để phục vụ du lịch và thị trường đã góp phần quan trọng cho hoạt động du lịch của huyện phát triển mạnh mẽ. Từ đó, tạo thêm việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số...