Nỗ lực hạn chế tai nạn giao thông do bất cập hạ tầng
Thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông kém chất lượng.
Trên cơ sở đánh giá các "điểm đen" tai nạn giao thông, thành phố sẽ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, hệ thống vạch sơn, biển báo... để bảo đảm an toàn giao thông.
Xử lý dứt điểm 3 “điểm đen”

Biển cảnh báo giảm tốc độ được lắp đặt trên cầu Thanh Trì góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: Tuấn Khải
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, trong năm 2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại 3 “điểm đen” tai nạn giao thông và 2 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, Sở Xây dựng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và Công an các phường, xã liên quan kiểm tra hiện trạng hạ tầng giao thông. Qua đánh giá hồ sơ tai nạn giao thông, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu do hành vi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Từ đó thống nhất các phương án xử lý, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại từng điểm nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn có thể xảy ra.
Đối với “điểm đen” tại đoạn từ Km165+500 đến Km165+950 quốc lộ 1B (cầu Thanh Trì), các đơn vị chức năng bổ sung biển cảnh báo "Đoạn đường hay xảy ra tai nạn" kết hợp biển phụ "Đi chậm, chú ý quan sát"; bổ sung sơn giảm tốc lối vào hai đầu cầu và làn xe máy; lắp đặt hệ thống loa tuyên truyền, cảnh báo cho người và các phương tiện tham gia giao thông tại khu vực hai đầu cầu. Đồng thời tăng cường hệ thống chiếu sáng ở khu vực này.
Tại đoạn từ Km431+240 đến Km431+304 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ), các đơn vị thực hiện ngay việc duy tu, sửa chữa mặt đường, lề đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; xử lý các hư hỏng của hệ thống lan can phòng hộ, bảo đảm vuốt nối các vị trí đầu hộ lan.
Tại đoạn từ Km2+200 đến Km2+400 quốc lộ 21A (ngã tư Bệnh viện Quân y 105) thuộc địa phận phường Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây), để bảo đảm an toàn giao thông, các đơn vị liên quan đóng điểm mở dải phân cách cứng tại nút giao cổng Bệnh viện - Km2+450 quốc lộ 21A; duy tu, bảo dưỡng hệ thống báo hiệu đường bộ (vạch sơn, biển báo...) tại khu vực nút giao.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương của Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Điển hình như trên đường Ngọc Hồi (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất có tới 9 lối đi tự mở. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Võ Xuân Trọng cho biết, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quận đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị tiến hành phát quang, dọn vệ sinh hành lang an toàn giao thông đường sắt, yêu cầu người dân sinh sống bên đường sắt ký cam
kết không vi phạm hành lang. Từ đầu năm 2025 đến nay, UBND quận Hoàng Mai đã phối hợp với các đơn vị liên quan xóa bỏ 4/9 lối đi tự mở trên địa bàn phường Hoàng Liệt. Cùng với đó là xóa bỏ các cửa hàng bán hoa tự phát trên đường Ngọc Hồi, tổng vệ sinh hành lang đường sắt, đốn hạ những cành cây gây che khuất tầm nhìn…
Thêm nhiều giải pháp hạn chế tai nạn

Lực lượng chức năng rào chắn lại lối đi dân sinh tự mở tại đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai) nhằm bảo đảm an toàn hành lang đường sắt. Ảnh: Khải Tuấn
Ngoài 3 “điểm đen” đã được xử lý, trên địa bàn thành phố vẫn còn 2 điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Về 2 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (khu vực cầu Chiếc mới thuộc địa phận xã Hiền Giang, huyện Thường Tín và khu vực cổng Bệnh viện Tâm thần trung ương thuộc địa phận xã Hòa Bình, huyện Thường Tín), liên ngành thành phố đã đề nghị bổ sung hệ thống biển báo hiệu còn thiếu; duy tu hệ thống sơn kẻ gờ giảm tốc đã bị mờ; cắt tỉa hệ thống cây xanh bảo đảm tầm nhìn... Với các địa bàn bám dọc theo các tuyến đường sắt, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường trực cảnh giới tại các vị trí giao cắt đường ngang với đường sắt; giải tỏa những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để buôn bán, kinh doanh, tập kết vật liệu…
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương rào chắn các lối đi tự mở nhưng thực tế là sau khi rào chắn xong, người dân đi lại rất khó khăn do ngõ ngách nhỏ hẹp. Rất mong các cấp chính quyền sớm đầu tư, làm đường gom dọc theo đường sắt giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn”, ông Nguyễn Phúc Đức (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) kiến nghị.
Về vấn đề này, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, song song với việc từng bước xóa bỏ những lối đi tự mở, quận đang phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị triển khai đầu tư dự án làm đường dân sinh bên trong. Trước mắt, để bảo đảm một phần nhu cầu đi lại của người dân trong lúc chờ triển khai dự án, quận đã chỉ đạo UBND phường Hoàng Liệt dọn dẹp, làm lối đi tạm.
“Từ nay đến cuối năm 2025, các đơn vị chức năng của Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, hệ thống vạch sơn, biển báo, kiên quyết không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông kém chất lượng. Cùng với đó theo dõi, đánh giá kết quả các điểm hay xảy ra tai nạn, điểm tiềm ẩn đã xử lý, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông. Các vị trí cần phải cải tạo hạ tầng sẽ tiến hành lập phương án cải tạo, sửa chữa, báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hữu Bảo nói.