Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi

Chăn nuôi là một trong những hoạt động có lượng phát thải khí nhà kính tương đối cao. Nhằm kéo giảm tỉ lệ phát thải khí nhà kính, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng, người chăn nuôi ứng dụng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người chăn nuôi phải chủ động và có ý thức hơn nữa trong vấn đề này.

Nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) thực hành ủ chua cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò tại lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Ảnh: CTV

Nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) thực hành ủ chua cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò tại lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Ảnh: CTV

Phát thi khí nhà kính

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi có hai nguồn chính gồm khí mê tan (CH4) từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Năm 2022, Bộ TN&MT đã công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, trong số động vật có phát thải khí mê tan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê 5kg CH4/con/năm, heo 1kg CH4/con/năm. Ngoài ra, mỗi năm 1 con heo (trọng lượng bình quân khoảng 90kg) cũng phát thải khoảng 438kg CO2.

Với tổng đàn trâu, bò khoảng 164.000 con, đàn heo 148.000 con và khoảng 4,5 triệu con gia cầm như hiện nay thì bình quân mỗi năm lượng phát thải ra môi trường là khoảng 10 triệu ký CH4 và 65 triệu ký CO2. Ngoài ra, mỗi con bò trưởng thành sẽ thải khoảng 14kg phân/ngày; heo thải 2,7kg phân và 20 lít nước thải, tương đương mỗi năm thải ra môi trường khoảng 900.000 tấn chất thải và khoảng 1 tỉ lít nước thải. Đây là những con số đáng suy ngẫm nhưng hầu như nhiều người chăn nuôi chưa biết đến.

Theo ông Năm Tính, chủ một trại nuôi heo gia công ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), trại nuôi heo của gia đình ông hoạt động đã nhiều năm, mỗi năm ông nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 500 con. Ông cũng chú trọng việc xử lý chất thải chăn nuôi để đảm bảo môi trường khu trại, hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, chưa khi nào ông tính được lượng chất thải, nước thải, khí thải ra môi trường.

Nhiu mô hình thiết thc

Để kéo giảm tỉ lệ phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong việc giảm khí mê tan từ dạ cỏ trâu, bò bằng cách điều chỉnh thức ăn hoặc thực hiện các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi giảm thải ra môi trường…

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khí nhà kính phát thải trong chăn nuôi nhiều nhất là khí mê tan. Muốn giảm lượng khí mê tan phát thải trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu, bò thì phải thay đổi thức ăn, ưu tiên sử dụng thức ăn thô xanh ủ chua để ức chế hoạt động của nhóm vi khuẩn sinh mê tan trong dạ cỏ và xử lý hiệu quả chất thải từ chăn nuôi.

Thực hiện việc này, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho 715 nông dân về kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh và phối trộn thức ăn cho bò; mở 11 lớp tập huấn cho 314 nông dân về phương pháp ủ, sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp. Qua đó giúp hàng trăm nông dân nắm được kỹ thuật ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ…, góp phần thúc đẩy việc thực hành các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi.

Cũng theo trung tâm này, tất cả các lớp tập huấn trung tâm đều tổ chức với phương pháp tập huấn ngay tại hiện trường để bà con vừa có thể tiếp thu kiến thức qua lý thuyết, vừa có thể áp dụng ngay tại hiện trường. Việc này giúp bà con thuần thục để có thể áp dụng ngay vào chăn nuôi hằng ngày tại gia đình.

Ông Nguyễn Trọng Hùng ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) cho biết: Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh và phối trộn thức ăn cho bò do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, tôi đã nắm vững các kỹ thuật phối trộn, ủ chua thức ăn để làm thức ăn cho bò. Nhờ vậy nhiều năm qua, toàn bộ các loại phụ phẩm từ nông nghiệp như thân bắp, mía, sắn… hay cỏ tươi đều được gia đình sơ chế, ủ chua để làm thức ăn cho bò. Bò ăn thức ăn đã ủ chua thấy tiêu hóa dễ hơn, phát triển tốt hơn.

Còn theo nhiều người nuôi bò ở xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu), hiện nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương này đã thực hành tuần hoàn chất thải nhờ giải pháp biến chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ. Toàn bộ kỹ thuật xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn tại lớp tập huấn Các phương pháp ủ, sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp.

Bà Trần Thị Hạnh ở TX Sông Cầu cho hay: Việc này không chỉ giúp giải quyết được vấn đề chất thải từ chăn nuôi mà còn giúp chúng tôi tự làm ra được nguồn phân bón hữu cơ chất lượng, giá rẻ phục vụ cho canh tác cây trồng của gia đình, tiết kiệm nhiều chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay: Cùng với những nỗ lực của cơ quan chức năng, người chăn nuôi phải nâng cao nhận thức trong vấn đề hài hòa lợi ích giữa việc chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Người chăn nuôi phải chủ động, tích cực ứng dụng các kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.

Theo Sở NN&PTNT, Phú Yên tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ áp dụng khoa học kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319598/no-luc-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-tu-chan-nuoi.html
Zalo