Nỗ lực để tất cả học sinh đến trường vào đầu tuần tới

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc cùng Đoàn công tác Bộ GD&ĐT vừa tới thăm các thầy, cô giáo, các em học sinh Trường Mầm non Hiền Lương, Trường Tiểu học Động Lâm và Trường THCS Hiền Lương, thuộc huyện Hạ Hòa - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 3 của tỉnh Phú Thọ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra nguồn nước sạch tại Trường THCS Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. (Nguồn: MOET)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra nguồn nước sạch tại Trường THCS Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. (Nguồn: MOET)

Vẫn còn học sinh chưa thể đến trường

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây mưa làm ngập úng các xã, thị trấn dọc hai bên bờ sông gây thiệt hại đến các cơ sở giáo dục, gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Đến nay, có 35 - 40 hộ dân vẫn chưa thể về nơi sinh sống do địa hình bị chia cắt.

Hiện có 13 trường bị ngập nước, trong đó có 6 trường ngập nặng. Các trường đã chủ động di dời tài sản trước cơn bão, nhưng nhiều trang thiết bị, bàn ghế bị hư hỏng nặng. Toàn huyện hiện thiếu hơn 800 bộ sách giáo khoa, trên 12.000 vở viết, 500 bộ cặp sách, trang thiết bị học tập do hư hỏng. Nhiều trường bị ảnh hưởng về cơ sở vật chất.

Với phương châm “Nước rút đến đâu, phải xử lý vệ sinh môi trường đến đó”, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh, các trường học đã phối hợp với trung tâm y tế vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá cơ sở vật chất trường học bởi các cơ quan chuyên môn, bảo đảm an toàn cho các em học sinh. Trường nào không an toàn chuyển sang các địa điểm khác.

Đến nay, cơ bản các trường học trên địa bàn huyện đã quay trở lại học bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình bị cô lập, các em chưa thể đến trường. Ngành giáo dục huyện Hạ Hòa sẽ cố gắng để các em quay trở lại trường muộn nhất vào ngày 23/9.

Tại Trường Mầm non Hiền Lương, hiện tại, môi trường lớp học, khuôn viên trường học đã khắc phục được 80 - 90%. Toàn bộ công tác bán trú được vệ sinh, khử trùng, bảo đảm nguồn nước sạch để học sinh có thể học bán trú trở lại từ ngày 23/9. Thầy Nguyễn Ngọc Thạch, Hiệu trưởng Trường THCS Hiền Lương chia sẻ: Dù trường ở khu vực cao so với mặt bằng chung, nhưng vẫn bị ngập sâu, có thầy giáo của trường còn phải đu dây qua suối để tới được trường học. Đến hôm nay, vẫn còn 5 em học sinh bị chia cắt, chưa thể đến trường học.

Bảo đảm an toàn là trên hết

Về thiệt hại do bão số 3 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, có 194 trường học, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hạ Hòa bị ảnh hưởng bởi bão. Ước tính thiệt hại của ngành Giáo dục khoảng trên 4 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 3.079 gia đình học sinh bị thiệt hại do mưa bão; 187 gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục bị ảnh hưởng.

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ; thành lập các đoàn kiểm tra, bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh. Quan tâm, động viên gia đình các thầy, cô giáo và các em học sinh bị ảnh hưởng sau bão, lũ. Xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy bù, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian tạm nghỉ học.

Chia sẻ về ảnh hưởng của vụ việc sập cầu Phong Châu với các em học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, hàng ngày, có 537 em học sinh di chuyển qua cầu Phong Châu để đi học giữa hai huyện Tam Nông và Lâm Thao. Hiện tỉnh đã bố trí cho các em học nhờ ở các trường khu vực ven sông hai huyện. Việc học tập của các em diễn ra thuận lợi, khi bảo đảm các điều kiện an toàn, các em sẽ về trường cũ học trở lại.

Tại các địa điểm kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, động viên các thầy cô giáo, các em học sinh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão vừa qua. Thứ trưởng đồng thời biểu dương và cảm ơn nỗ lực rất lớn của địa phương, sự chủ động của ngành Giáo dục, các thầy, cô giáo, để đến hiện tại, các trường đã dạy học trở lại, các em học sinh được đến trường bình thường. Với những em học sinh trong địa bàn bị chia cắt, Thứ trưởng mong muốn địa phương cùng các nhà trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em tới trường để bảo đảm được nhiệm vụ năm học. Tuy nhiên, vẫn cần phải bảo đảm an toàn là trên hết.

Trong thời gian tiếp theo, Thứ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh môi trường, phối hợp với các cơ quan y tế địa phương để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục. Cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không bảo đảm chất lượng, có nguy cơ đổ sập. Lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh. Nhất là các trường, điểm trường gần sông, suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất; cần kiểm tra kỹ để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.

Đồng thời, quan tâm, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi mưa, bão, lũ; đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản. Thay mặt Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục Phú Thọ số tiền 500 triệu đồng. Dịp này, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 300 bộ sách giáo khoa; Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà trao tặng 15.000 bộ đồ dùng học tập cho ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/no-luc-de-tat-ca-hoc-sinh-den-truong-vao-dau-tuan-toi-post526010.html
Zalo