Gánh nặng về tài chính khiến nhiều người học bậc sau đại học phải bỏ ngang

Nhiều trường đại học ở nước ta không có quỹ học bổng sau đại học cho học viên bậc đào tạo thạc sĩ hay nghiên cứu sinh mà chỉ có học bổng cho bậc đại học.

Việc có học bổng cho bậc sau đại học nhằm thu hút nhân tài vốn đã quen thuộc tại nhiều nền giáo dục trên thế giới. Thế nhưng ở nước ta, theo đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đều chưa có quỹ học bổng cho bậc học này mà chỉ có học bổng đối với bậc đào tạo đại học. Trong khi đó, xét về tình hình chung, công tác tuyển sinh bậc học này của chúng ta vẫn còn thấp.

Tuyển sinh sau đại học khối ngành kỹ thuật về mỏ, địa chất khó khăn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang - Trưởng phòng Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất bày tỏ, những năm gần đây, Nhà trường tuyển sinh bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) chỉ đạt khoảng tối đa 50% chỉ tiêu. Thầy Khang cho hay, những ngành đặc thù như về lĩnh vực mỏ, địa chất hiện nay đang khó tuyển sinh đối với bậc sau đại học.

Điều này sẽ dẫn tới thực trạng trong những năm tiếp theo chúng ta sẽ bị thiếu trầm trọng lực lượng lao động chất lượng cao về những ngành nghề này và mất cân đối lực lượng lao động trên thị trường.

Trong khi đó, đội ngũ có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ là nguồn lực hết sức quan trọng. Đặc biệt là đối với những ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, đội ngũ này sẽ là những nhân lực đứng đầu trong các ngành mũi nhọn, trong các cơ quan quản lý có liên quan.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Mỏ - Địa chất).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Mỏ - Địa chất).

Theo thầy Khang, ở nước ta, trừ những giảng viên đi học theo Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (gọi tắt là Đề án 89) hay những người được cơ quan cử đi học, gần như những người học bậc sau đại học phải tự bỏ toàn bộ kinh phí từ bài báo khoa học, kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu đến kinh phí đi lại, lưu trú ở các cơ sở đào tạo, …

Hiện nay, công tác tuyển sinh bậc sau đại học hiện còn khó khăn cũng một phần do các việc thực hiện những nghiên cứu của khối ngành kỹ thuật như các ngành về mỏ, địa chất cũng khó khăn hơn so với những khối ngành khác. Đặc biệt là đối với bậc đào tạo tiến sĩ, các nghiên cứu sinh khi làm những nghiên cứu sẽ tốn kém rất nhiều chi phí do có những mẫu nghiên cứu phải gửi mẫu đi nước ngoài (có những mẫu tốn hàng trăm triệu đồng để gửi đi nước ngoài) hay phải thử nghiệm rất nhiều lần mới ra kết quả,…

Không những vậy, để thực hiện được những công trình nghiên cứu của khối ngành kỹ thuật, đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại. Khi thiếu các thiết bị cần thiết này, nghiên cứu sinh phải bỏ kinh phí để thuê.

Vừa phải lo cơm áo gạo tiền, vừa phải lo học phí mỗi năm lại thêm gánh nặng về chi phí nghiên cứu, thực nghiệm,… đã dẫn tới tình trạng nhiều nghiên cứu sinh bị tốt nghiệp quá hạn hoặc không bảo vệ được.

Mặt khác, thực trạng hiện nay, cử nhân khối ngành kỹ thuật về mỏ, địa chất sau khi tốt nghiệp đi làm đúng nghề là rất ít. Bởi, công việc đúng nghề không đảm bảo về thu nhập để trang trải cuộc sống cộng thêm cường độ công việc rất nặng nhọc, vất vả. Trong khi đó, số người học ở bậc sau đại học thường xuất phát là những người đã đi làm rồi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tuyển sinh bậc sau đại học của Nhà trường gặp khó khăn.

Cũng theo thầy Khang, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học đều có quỹ khuyến học nhưng lại chỉ dành cho bậc đào tạo đại học.

Chính vì vậy, thầy Khang đề xuất rằng, nên có những chính sách ưu tiên đối với những ngành đặc thù như các ngành kỹ thuật các ngành, từ hỗ trợ kinh phí khi thực hiện đề tài nghiên cứu, kinh phí đi lại, lưu trú đến chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra ngoại ngữ,…

Đặc biệt, phải có quỹ học bổng như bậc đại học để khuyến khích người học vào bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Quỹ học bổng này nhằm khuyến khích cho những học viên, nghiên cứu sinh như có kết quả nghiên cứu tốt, trong quá trình học tập có thành tích tốt để hỗ trợ, động viên tinh thần.

Ngoài ra, nếu có học bổng đầu vào cho bậc sau đại học đối với những người có kết quả đầu vào xuất sắc cần có sự ràng buộc chặt chẽ giữa người được hưởng học bổng với Nhà trường. Điều này nhằm gắn quyền lợi về kinh tế với trách nhiệm về công việc, học tập, nghiên cứu của người học.

Từng có nhiều ý kiến đề xuất nhưng vẫn chưa thấy văn bản hướng dẫn cụ thể

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho rằng, thực tế hiện nay, hầu như các trường đại học ở nước ta đều không có quỹ học bổng sau đại học cho học viên bậc đào tạo thạc sĩ hay nghiên cứu sinh mà chỉ có học bổng cho bậc đại học.

Tuy nhiên, dù ở bậc học nào cũng nên có học bổng cho những người có kết quả đầu vào cao hoặc trong quá trình học tập đạt được những thành tích tốt. Có quỹ học bổng này sẽ giúp Nhà trường thu hút tuyển sinh, từ đó có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu của đất nước nói chung và địa phương nói riêng.

Do đó, thầy Phương mong rằng, các trường đại học nên có quỹ học bổng dành cho bậc đào tạo sau đại học. Quỹ học bổng này có thể huy động từ nhiều nguồn giống như quỹ của đại học với một phần từ nguồn thu của nhà trường, một phần từ sự đóng góp của các nhà tài trợ,…

 Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Đà Lạt).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Đà Lạt).

Thầy Phương thông tin thêm, những năm gần đây, tình hình tuyển sinh bậc sau đại học của Nhà trường vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra. Trường cũng có một số trường hợp nghiên cứu sinh tốt nghiệp chậm hơn tiến độ nhưng chủ yếu là do bị công việc chi phối dẫn đến tiến độ hoàn thành các nghiên cứu bị chậm.

Còn theo Tiến sĩ Võ Tấn Tú - Trưởng phòng Phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Đà Lạt, giống với tình hình chung của cả nước, việc tuyển sinh đối với bậc đào tạo tiến sĩ của Nhà trường cũng gặp khó khăn. Đối với bậc đào tạo thạc sĩ, Nhà trường tuyển sinh đạt khoảng gần 70% chỉ tiêu tuyển sinh.

Thầy Tú thông tin, do Trường đào tạo chủ yếu là những ngành khoa học cơ bản nên hầu hết đối tượng là các giảng viên, nhà nghiên cứu. Trên thực tế, Trường cũng có những nghiên cứu sinh bị quá hạn, chậm tốt nghiệp nhưng thường là do chậm tiến độ về kết quả nghiên cứu do khó sắp xếp về công việc, gia đình, thời gian, …

Trên thực tế, những ngành khoa học cơ bản là những ngành rất quan trọng trong việc phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, nên có những ưu tiên riêng cho sinh viên, học viên của lĩnh vực khoa học cơ bản giống như các ngành sư phạm.

Cũng theo thầy Tú, tại nhiều diễn đàn cũng có những ý kiến đề xuất của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học về vấn đề có quỹ học bổng sau đại học nhưng hiện chưa có văn bản nào mang tính chất chính sách để thực hiện vấn đề này.

Tuy nhiên, thầy Tú cho rằng, quỹ học bổng sau đại học nên xuất phát từ các cơ quan cử nhân sự đi học nâng cao trình độ. Tại các trường đại học nên có hỗ trợ cho những người tham gia có thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ganh-nang-ve-tai-chinh-khien-nhieu-nguoi-hoc-bac-sau-dai-hoc-phai-bo-ngang-post245658.gd
Zalo