Nỗ lực chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030: Rất cần sự hỗ trợ không nhỏ từ pháp luật
Mới đây, tại cuộc gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2024) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức, ông Raman Hailevich - Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam đã đánh giá cao những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc củng cố khung pháp lý về HIV nhằm bảo vệ tốt hơn những người sống chung với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đảm bảo quyền của người dân Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang đứng trước rất nhiều thách thức
Theo ông Raman Hailevich, hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục giảm 3 chỉ tiêu: giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Số nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới. Việt Nam đã được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. 95% độ bao phủ bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân HIV/AIDS, gần 90% số người điều trị ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế, và hơn 95% những người điều trị ARV đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế.
Các sáng kiến như cấp phát methadone nhiều ngày và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ. Việc chuyển đổi số trong quản lý dịch đã đạt kết quả tích cực với hệ thống HIV-INFO và HMED triển khai trên toàn quốc… Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và nhanh chóng triển khai những sáng kiến mới, như việc áp dụng tất cả các chiến lược xét nghiệm HIV hiện có, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP và chiến lược Không phát hiện = Không lây truyền...
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang đứng trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm, cùng hành động để đạt được mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030. Theo các chuyên gia, còn rất nhiều việc cần phải làm, bởi dịch HIV/AIDS rất có thể bùng phát trở lại nếu chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Tiếp tục củng cố khung pháp lý về HIV nhằm bảo vệ tốt hơn
Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Ngày 14/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 có sự kế thừa các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn đến năm 2020, đồng thời có sự điều chỉnh, cập nhật và bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình giai đoạn 2021 - 2030.
Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Chiến lược quốc gia được phê duyệt cũng thể hiện sự cam kết rất lớn của Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS và với cộng đồng quốc tế, cùng nhau hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030, phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu to lớn này. Bên cạnh đó, các giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp tình hình mới, trong đó có thay đổi về tình hình dịch HIV/AIDS, lây truyền HIV qua đường tình dục đang có diễn biến phức tạp, sự gia tăng nhanh nhiễm mới HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển giới, cũng như những tiến bộ của khoa học trong các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả dự phòng, xét nghiệm, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS.
Một trong những nhóm giải pháp để đạt được các mục tiêu của chiến lược là nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách. Bởi, Việt Nam dù đã có một hệ thống pháp lý về phòng, chống HIV/AIDS khá đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lại có những vấn đề phát sinh nên cần được điều chỉnh bằng văn bản pháp luật và chế độ chính sách phù hợp. Đồng thời cũng cần tăng cường tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS cũng như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cũng đã được ban hành với một số điểm mới.
Thứ nhất, hướng dẫn đầy đủ nội dung quy định chi tiết khoản 6 và khoản 9 Điều 1 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, về việc cho phép người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.
Thứ hai, quy định đầy đủ các biện pháp và đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo việc mở rộng các giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV và cụ thể hóa các nhóm đối tượng cần can thiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi về tình hình dịch tễ HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV mới nổi theo như quy định của khoản 7 Điều 1 Luật HIV 2020 (sửa đổi, bổ sung Điều 21 Luật HIV 2006).
Thứ ba, việc quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế cần phải thay đổi. Thực tiễn phát sinh 3 nhóm đối tượng được cấp thuốc ARV miễn phí gồm: người bị phơi nhiễm, người bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác. Việc thay đổi này nhằm đảm bảo độ bao phủ cho các nhóm đối tượng trên được tiếp cận với thuốc ARV, thể hiện được tính ưu việt của xã hội, Nhà nước và phù hợp với khoản 13 Điều 1, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).
Thứ tư, sửa đổi một số quy định đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP đồng bộ thống nhất với quy định đã thay đổi tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời đưa nội dung quy định về cấp phát thuốc thay thế nhiều ngày vào Nghị định tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai mở rộng ra toàn quốc trong thời gian tới.
Thứ năm, về hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và hồ sơ, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng quy định phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu về cắt giảm thủ tục hành chính. Việc quy định hồ sơ, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Thông tư liên tịch là không còn phù hợp với quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.
Thứ sáu, một số quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức hoạt động của cơ sở điều trị thay thế, cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính thay đổi cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và an toàn sinh học; đồng thời, quy định bổ sung về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục chỉ định, điều chỉnh giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tham chiếu trước đây chưa được quy định tại Nghị định số 75/2016/NĐ-CP.
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95 - 95 - 95, đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đến nay trong mục tiêu 95 - 95 - 95, Việt Nam đã đạt 87% người biết tình trạng nhiễm HIV - 79% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV - 95% người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.