Nỗ lực bảo vệ chim trời

Mùa bão lũ, nhiều loài chim từ các nơi khác thường tìm đến trú ngụ trên địa bàn tỉnh, cũng là thời điểm những tay săn chim trời 'hành nghề'. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến sự bình yên chim trời, mà còn khiến một số loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

 Tiêu hủy cò xốp sau tháo gỡ

Tiêu hủy cò xốp sau tháo gỡ

Ông T.V.T ở xã Lộc An (Phú Lộc) một thời cũng là một tay săn chim trời có tiếng ở địa phương. Từ vài năm nay, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, ông T. đã hiểu được sự nguy hại của nạn săn bắt động vật hoang dã, chim trời nói riêng nên bỏ hẳn hành vi này. Ông T. bảo, săn bắt chim trời vào mùa này cũng có thêm chút ít thu nhập, nhưng lại gây hậu quả tác hại khôn lường về môi trường.

Ông T.V.T cho rằng, rất khó để phát hiện hành vi săn bắt chim hoang dã vào đêm khuya, mà chỉ có thể phát hiện vào ban ngày. Khi phát hiện tình trạng đặt bẫy chim thì người dân nên báo với chính quyền địa phương, ban ngành xử lý. Cơ quan chức năng cần thường xuyên tuần tra, giám sát hơn nữa, nhất là vào ban đêm để bảo vệ sự sống của các loài chim trời.

Theo lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện Phú Lộc, thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kết hợp với chế tài xử lý vi phạm nên vài năm trở lại đây, nạn săn bắt chim trời trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Nhiều người dân địa phương một thời từng săn bắt chim để bán, hoặc sử dụng làm thực phẩm hằng ngày thì nay cũng đã bỏ hành vi vi phạm này.

Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn huyện Phú Lộc diễn ra nhiều vụ đặt bẫy, săn bắt chim, cò trên các cánh đồng, lùm cây. Ngày 25/9 mới đây, nhận tin báo từ người dân, HKL huyện Phú Lộc phối hợp với UBND xã Lộc An tháo gỡ bẫy bắt chim, cò tại xã Lộc An. Theo đó, các lực lượng tháo gỡ và tiêu hủy gần 800 que tre dính nhựa, bẫy kẹp, cò xốp và tháo gỡ bẫy, thả hàng chục cá thể cò về môi trường hoang dã.

Trước đó, HKL huyện Phú Lộc tiến hành tuần tra, phát hiện và tháo gỡ, tiêu hủy khoảng 1.350 cò xốp, que dính nhựa bẫy bắt chim trời tại cánh đồng Trung An, xã Lộc Trì. Cùng thời điểm, HKL huyện Phú Lộc cùng với lực lượng cán bộ thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) triển khai tuần tra, giám sát nạn săn bẫy chim trời trên địa bàn. Theo đó, HKL đã phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy 3.800 que dính nhựa, cò giả tại cánh đồng thuộc tổ dân phố 4, thị trấn Phú Lộc. Lực lượng kiểm lâm gỡ bẫy, cứu hộ và thả nhiều cá thể cò về môi trường tự nhiên.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, cứ đến mùa mưa bão, tầm tháng 9-10 hằng năm, nhiều loài chim thường di cư đến các lùm cây, bụi rậm ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đến các khu rừng ngập mặn, trên cánh đồng trú ngụ, tìm kiếm thức ăn. Đây là thời điểm các tay săn chim trời thực hiện các hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quần thể chim di cư tìm nơi trú ngụ an toàn.

Mặc dù thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tình trạng săn bắt chim trời có hạn chế rất nhiều so với trước nhưng vẫn khó có thể ngăn chặn triệt để. Các hành vi săn bắt chim trời ngày càng tinh vi hơn, như lén lút, giăng bẫy vào đêm khuya rất khó phát hiện và xử lý. Lực lượng chức năng từng phát hiện các đối tượng nghi giăng bẫy chim nhưng không có bằng chứng. Khi bị phát hiện, các đối tượng bảo đang đi bủa lưới, bắt cá, câu cá trên đồng, hoặc bỏ chạy nên không thể bắt giữ để xử lý vi phạm.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các đơn vị kiểm lâm trực thuộc, cùng với chính quyền địa phương, công an sở tại thường xuyên hơn trong tuần tra, tháo gỡ bẫy, cứu hộ chim trời. Đặc biệt, các lực lượng sẽ phục kích, kể cả đêm khuya để bắt giữ các đối tượng vi phạm nhằm xử lý, răn đe theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Thế Hùng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/no-luc-bao-ve-chim-troi-146482.html
Zalo