Nợ khó đòi của PV Gas (GAS) tăng vọt trước khi bước vào năm 2025 đầy thách thức
Các khoản nợ khó đòi của PV Gas cũng tăng vọt lên gần 5.700 tỷ đồng vào cuối năm 2024, gấp gần 3 lần sau 1 năm, chiếm 30% giá trị các khoản phải thu.
Nợ khó đòi tăng vọt
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã ck: GAS) ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh lên 19.000 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024, chiếm 1/3 tổng tài sản. Đáng chú ý, các khoản nợ khó đòi cũng tăng vọt lên gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 3 lần sau 1 năm, chiếm 30% giá trị các khoản phải thu.
Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng phải thu khó đòi năm 2024 vọt lên 1.918 tỷ đồng, gấp gần 17 lần năm 2023, qua đó trực tiếp làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ròng năm 2024 của PV Gas giảm 10% so với cùng kỳ dù lợi nhuận gộp tăng nhẹ 4%.
Trong cơ cấu phải thu khó đòi của PV Gas, khách hàng mua chịu lớn nhất là CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2), với giá trị khoản nợ xấu gần 2.690 tỷ đồng, bao gồm 1.397 tỷ đồng nợ 6 -12 tháng và 942 tỷ đồng nợ đọng 1-2 năm. Các khoản nợ trên 3 năm đến cuối năm 2024 cũng vượt 268 tỷ đồng.
Trong khi đó, NT2 cũng còn tồn đọng tới hơn 2.930 tỷ đồng khoản phải thu của Công ty Mua bán điện (EPTC). Theo Nghị quyết số 1944/NQ-DKVN của PVN ban hành năm 2018, NT2 sẽ phải tiến hành ghi nhận khoản thu tiền lãi trả chậm phát sinh từ EPTC và ghi nhận khoản phải trả cho PV Gas dựa theo ngày chậm trễ/quá hạn thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng nguyên tắc và các phụ lục bổ sung tại hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện.
Ngoài ra, một phần khoản phải thu đối với hai nhà máy điện BOT phát sinh từ phần chênh lệch giữa đơn giá bán khí mới và khí cũ do có sự thay đổi về nguồn cung cấp khí. Các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận để ký kết chính thức các phụ lục hợp đồng mua bán khí liên quan đơn giá bán khí mới, từ đó mới có cơ sở cho hoạt động thanh toán sau này.
Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chi phí dự phòng nợ xấu phát sinh từ khó khăn trong thu hồi công nợ và nợ tồn đọng lớn từ các khách hàng như PV Power, EVNGENCO3 và các nhà máy điện BOT, do các khách hàng này gặp khó khăn trong thanh toán, là một trong những nguyên nhân làm thu hẹp lợi nhuận của PV Gas.
Việc bị chiếm dụng vốn từ đối tác ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền của PV Gas. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh từ mức hơn 13.800 tỷ năm 2023 xuống 9.000 tỷ đồng trong năm ngoái. Điều này cộng với việc chia cổ tức cho cổ đông khiến quy mô tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của PV Gas giảm mạnh.
Tại ngày 31/12/2024, số dư tiền mặt của PV Gas ở mức hơn 33.000 tỷ đồng, giảm 7.700 tỷ so với thời điểm đầu năm. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản cũng giảm mạnh từ hơn 65% xuống dưới 58%. Nợ đọng còn kéo dài trong khi lượng tiền gửi giảm cùng mặt bằng lãi suất thấp, doanh thu tài chính của PV Gas có thể bị ảnh hưởng trong năm nay.
Năm 2025 đầy thách thức
PV Gas cho biết năm 2025 sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức lớn chưa từng có. Nguồn cung khí nội địa tiếp tục suy giảm mạnh, trong khi các mỏ khí mới chưa sẵn sàng khai thác. Nhu cầu tiêu thụ khí cho sản xuất điện và công nghiệp thiếu ổn định, trong bối cảnh giá dầu Brent được dự báo giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án hạ tầng khí LNG. Đồng thời, các cơ chế và chính sách phát triển ngành công nghiệp khí vẫn chưa hoàn thiện, tạo thêm nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Do đó, PV Gas đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2025 với chỉ tiêu doanh thu chỉ ở mức 73.900 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm mạnh xuống 6.600 tỷ đồng, trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ còn 5.300 tỷ đồng, giảm đến 50% so với thực hiện năm 2024.
PV Gas cũng đặt mục tiêu giảm sản lượng ở một số phân khúc. Sản lượng khí tiếp nhận dự kiến đạt 6,16 tỷ m3, giảm so với mức 6,7 tỷ m3 của năm 2024. Sản lượng khí khô đạt 8,88 tỷ m3, condensate sản xuất và tiêu thụ đạt 57.000 tấn, LPG sản xuất đạt 370.000 tấn, trong khi LPG kinh doanh chỉ còn 1,9 triệu tấn, giảm gần 39% so với mức 3,1 triệu tấn của năm trước.
Mới đây, PV Gas vừa ký hợp đồng cung cấp LNG cho vận hành thương mại Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 trong 25 năm, bắt đầu từ 2025. Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 là một công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng tại Khu công nghiệp Ông Kèo (Đồng Nai) với công suất 1.624MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Khi đi vào vận hành, dự án sẽ bổ sung khoảng 9 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Đây cũng là dự án điện khí LNG duy nhất trong số 13 dự án sản xuất điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII đang triển khai đúng tiến độ. Việc ký kết hợp đồng cung cấp LNG cho Nhơn Trạch 3 & 4 tiếp tục khẳng định vị thế của PV GAS là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực khí và LNG tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị duy nhất hiện nay có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch ngày càng cao của nền kinh tế.