Nổ cảng Shahid Rajaee ở Iran là do bất cẩn
Bộ trưởng Nội vụ Iran Eskandar Momeni cho biết sơ suất là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ xảy ra tại cảng Shahid Rajaee.
Hôm 28/4, Bộ trưởng Nội vụ Iran Eskandar Momeni thông tin: "Đã có sự sơ suất. Các biện pháp phòng ngừa cần thiết không được thực hiện tại cảng Shahid Rajaee".
Ủy ban điều tra vụ nổ cũng đưa ra nhận định tương tự, song cho biết cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Một số người bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc đã bị triệu tập ra tòa.

Khói bốc lên tại cảng Shahid Rajaee. (Ảnh: Getty)
Hôm 26/4, vụ nổ lớn xảy ra tại thành phố cảng Bandar Abbas, phía tây nam Iran khiến 70 người thiệt mạng, gần 1.400 người bị thương, làm hư hại nhiều tài sản và ảnh hưởng đến khu vực lân cận.
Hình ảnh và video từ hiện trường cho thấy cột khói dày đặc màu xám bốc cao từ khu vực Shahid Rajaee, một trong những cơ sở dầu mỏ chính của Iran. Theo hãng thông tấn Tasnim, vụ nổ làm kính và các mảnh vỡ văng ra khắp khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh gửi một số máy bay đến Iran. Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Tehran cũng thông báo nhân viên cứu hộ của họ đã đến Iran trên hai máy bay Be-200ES và một chiếc IL-76TD để hỗ trợ hoạt động cứu hộ.
Vụ nổ diễn ra trong bối cảnh Iran và Mỹ bước vào vòng đàm phán hạt nhân thứ ba tại Oman. Trước đó, truyền hình nhà nước Iran dẫn nguồn tin ban đầu cũng cho rằng "sự bất cẩn trong việc xử lý vật liệu dễ cháy" là yếu tố góp phần gây ra thảm họa.
Đây không phải là lần đầu tiên Iran chứng kiến các vụ nổ lớn tại các cơ sở công nghiệp hoặc cảng dầu mỏ.
Đặc biệt, cảng Shahid Rajaee - nơi vừa xảy ra vụ nổ mới nhất từng là mục tiêu của cuộc tấn công mạng nghiêm trọng vào năm 2020, khiến hệ thống điều hành và vận tải tại cảng tê liệt trong nhiều giờ. Cảng này đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu dầu mỏ và hàng hóa của Iran.
Ngoài Iran, những sự cố tương tự tại kho chứa hóa chất hoặc nhiên liệu trên thế giới như vụ nổ cảng Beirut năm 2020 khiến hơn 200 người thiệt mạng cho thấy mức độ nguy hiểm khi chất dễ cháy nổ không được bảo quản an toàn.