Níu chân du khách từ những sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch

Cùng với mùa du lịch Xuân Ất Tỵ 2025, thị trường sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch cũng nhận được nhiều sự chú ý. Ngày càng nhiều sản phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết, mang đặc trưng của tỉnh đã được giới thiệu ra thị trường nhằm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến và giữ chân du khách. Tuy nhiên, để các sản phẩm này thực sự có sức hút, vẫn cần thêm những “cú hích” và sự đầu tư mạnh hơn nữa.

Chưa tận dụng hết tiềm năng

Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội và nhiều làng nghề truyền thống. Do đó, ngoài việc đa dạng các loại hình du lịch, tỉnh còn có nhiều lợi thế trong việc phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch.

Nhận thức được vai trò quan trọng của sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch trong việc phát triển ngành du lịch tỉnh, năm 2022, UBND tỉnh đã công bố danh sách mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Bộ sản phẩm được sản xuất từ mật ong, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, trà hoa vàng hay mô hình tháp Bình Sơn, mô hình Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên bằng tăm tre.

Đặc biệt, từ sau khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai, danh sách sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh ngày càng thêm phong phú với 177 sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Dù đã có không ít sản phẩm được đầu tư nghiêm túc và mang đặc trưng của tỉnh, nhưng trên thực tế, sự xuất hiện của các sản phẩm này tại các điểm du lịch vẫn còn hạn chế.

Có mặt tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên sáng mùng 7 Tết, điều dễ thấy giữa hàng nghìn sản phẩm được bày bán tại các gian hàng, các sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh lại gần như vắng bóng. Thậm chí một số gian hàng đến từ các tỉnh bạn còn chiếm “spotlight” với biển bảng cùng âm thanh quảng cáo khá nổi bật như bánh hạt dẻ Cao Bằng, bánh kẹo gia truyền đặc sản phủ dày Nam Định.

Chị Hương, một tiểu thương có nhiều năm kinh doanh tại Khu di tích và danh thắng Tây Thiên cho biết: “Không phải là không muốn bán sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh mà chúng tôi chưa tìm được sản phẩm nào phù hợp. Trước chúng tôi cũng thử bán bánh chưng gù, bánh trứng kiến của người Sán Dìu nhưng lượng tiêu thụ khá chậm”.

Tương tự, tại trạm dừng nghỉ IC4 Tam Đảo Xanh, nơi đang có hơn nghìn mặt hàng được bày bán tại đây, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và dịch Vụ Tam Đảo Xanh cho biết: “Hiện nay, tại trạm dừng nghỉ có bày bán nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh như mật ong Tam Đảo và các sản phẩm làm từ ong, đông trùng hạ thảo, rượu ba kích Tam đảo…

Tuy nhiên, các sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn nhất ở trạm dừng nghỉ lại không phải là các sản phẩm mang đặc trưng của Vĩnh Phúc mà là cơm cháy Ninh Bình, sữa bò Ba Vì…”. Được biết, lượng tiêu thụ của các sản phẩm OCOP của tỉnh hiện chỉ chiếm từ 15 - 20% tổng doanh thu của điểm dừng nghỉ này.

Các sản phẩm mang đặc trưng của Vĩnh Phúc lại gần như vắng bóng tại Khu danh thắng Tây Thiên những ngày đầu năm. Ảnh: Đức Chung

Các sản phẩm mang đặc trưng của Vĩnh Phúc lại gần như vắng bóng tại Khu danh thắng Tây Thiên những ngày đầu năm. Ảnh: Đức Chung

Để chiếm lĩnh thị trường

Lý giải nguyên nhân khiến sức tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, theo một số tiểu thương và đơn vị kinh doanh sản phẩm quà tặng du lịch, thì các sản phẩm OCOP và quà tặng du lịch mang đặc trưng của tỉnh chưa thực sự tạo được dấu ấn đậm nét để du khách chú ý từ hình thức đến chất lượng và giá cả.

Qua tìm hiểu được biết, du khách thường có xu hướng mua các sản phẩm ăn uống làm quà, nhưng những mặt hàng này của tỉnh lại khá ít, và một số sản phẩm tốt thì giá cả lại khá cao. Chưa kể, các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của tỉnh cũng khá “èo uột” khi người dân các làng nghề hiện nay vẫn chủ yếu duy trì sản xuất kinh doanh theo phương thức truyền thống mà chưa chú trọng sáng tạo các sản phẩm nhỏ gọn, có tính thẩm mỹ cao, mang đậm dấu ấn đất và người Vĩnh Phúc để gây thị hiếu cho khách du lịch mua sắm.

Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư, thu hút đầu tư hệ thống cơ sở, cửa hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, làng nghề tại các điểm du lịch cũng như trên các tuyến đường du lịch của tỉnh, song, hoạt động của các sở này vẫn chưa được phát triển mạnh như kỳ vọng.

Các cơ sở tư nhân vẫn đặt nặng tính thương mại, chưa chú trọng đẩy mạnh các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong khi đó, dù được tỉnh hỗ trợ, nhưng không phải cơ sở sản xuất nào cũng đủ vốn và năng lực để đầu tư cửa hàng trưng bày, đón khách đến tham quan, trải nghiệm sản xuất và mua sắm.

Để các sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Phúc không rơi vào tình trạng mất vị thế trên sân nhà, chị Lê Thị Phượng cho rằng: “Cần phát triển đa dạng hơn nữa các sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của tỉnh, đồng thời phải phù hợp với thị hiếu của du khách”.

Ngoài ra, tỉnh cũng như các đơn vị sản xuất cần tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, để những sản phẩm này được biết đến rộng rãi hơn, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách mỗi khi nhắc đến du lịch Vĩnh Phúc.

Việc phát triển và đa dạng các sản phẩm lưu niệm quà tặng du lịch không chỉ tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuyến khích chi tiêu mà còn là động lực để biến “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng phát triển mà tỉnh đã đề ra.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123545//niu-chan-du-khach-tu-nhung-san-pham-luu-niem-va-qua-tang-du-lich
Zalo