Ninh Thuận thông qua 12 nghị quyết quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 24/2, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa 11, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp lần thứ 24, thông qua 6 nghị quyết quan trọng về tài chính, ngân sách, đất đai,… tạo cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; 6 nghị quyết liên quan đến nhân sự lãnh đạo các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh và điều chỉnh thành phần Đoàn Giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 24 Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa 11. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Quang cảnh Kỳ họp thứ 24 Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa 11. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhân sự chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo các tờ trình dự thảo nghị quyết và các ban của Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả thẩm tra các tờ trình, gồm: Tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; miễn nhiệm và bầu bổ sung ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; điều chỉnh giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập; phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để thực hiện Dự án “Giảm thiểu khí thải khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tỉnh Ninh Thuận (Dự án RECAF Ninh Thuận); phân bổ và giao bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ,…

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết đã trình tại kỳ họp. Đặc biệt, biểu quyết thông qua phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để thực hiện Dự án “Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tỉnh Ninh Thuận”.

Dự án RECAF Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án tại Quyết định số 1312/QĐ-TTg ngày 9/11/2023; Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 và Ủy ban tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 24/12/2024. Quy mô dự án bao gồm ba hợp phần, trong đó hợp phần 1 là thúc đẩy chính sách và môi trường thể chế cho việc lập kế hoạch và thực hiện giảm khí thải; hợp phần 2 phát triển kinh tế nông thôn không gây mất rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu và hợp phần 3 là quản lý dự án. Dự kiến, dự án triển khai trên địa bàn 23 xã thuộc 4 huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và Thuận Bắc.

Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để thực hiện dự án với tổng mức đầu tư hơn 441 tỷ đồng, tương đương hơn 19 triệu USD. Trong tổng mức đầu tư nói trên, vốn vay từ Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) là 10 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) là 5,5 triệu USD. Dự án còn sử dụng vốn đối ứng của ngân sách nhà nước hơn 3,6 triệu USD.

Vốn vay từ IFAD sẽ được tỉnh Ninh Thuận sử dụng để thực hiện tiểu hợp phần, gồm: Chi phí xây dựng; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng. Dự án được thực hiện trong 3 năm, được triển khai từ năm 2025 đến năm 2027. Thời hạn vay vốn và trả lãi suất là 25 năm, trong đó 5 năm ân hạn; trả gốc và lãi định kỳ hai lần/năm với mức lãi suất 5,93% mà IFAD dành cho Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần giảm thiểu khí thải do mất rừng và suy thoái rừng thông qua giải quyết các nhân tố trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư chiến lược, hiệu quả nhằm phục hồi và quản lý bền vững diện tích rừng; trao quyền và cải thiện khả năng thích ứng của các cộng đồng và thể chế mục tiêu nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo trong cộng đồng và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-thong-qua-12-nghi-quyet-quan-trong-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post861419.html
Zalo