Ninh Thuận phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn được xem là giải pháp tối ưu cho phát triển nông nghiệp bền vững tại Ninh Thuận, qua đó, đã giúp địa phương từng bước giải quyết được các vấn đề về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Trang trại Nắng và Gió ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) áp dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trang trại Nắng và Gió ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) áp dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Đặng Kim Cương, trong Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, có 50% cơ sở trồng trọt áp dụng công nghệ xử lý, thu gom và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm sản phẩm chủ lực, 80% rơm rạ được thu gom và tái sử dụng; các xã nông thôn mới xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Có 80% trang trại và 50% hợp tác xã được tiếp cận quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.

Tham quan mô hình vườn, ao, chuồng nuôi trùn quế rộng 4.000m2 của anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Anh Vương chia sẻ: Mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại trang trại được thực hiện theo quy trình là các chất thải và phế, phụ phẩm là nguyên liệu đầu vào của quá trình khác thông qua các bước xử lý nhờ trùn quế. Theo đó, phế, phụ phẩm sau khi được trùn quế xử lý sẽ trở thành phân bón tự nhiên rất giàu dinh dưỡng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) dùng các chất thải và phế, phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho trùn quế xử lý trở thành phân bón tự nhiên rất giàu dinh dưỡng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại mô hình vườn, ao, chuồng rộng 4.000m2 của anh. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) dùng các chất thải và phế, phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho trùn quế xử lý trở thành phân bón tự nhiên rất giàu dinh dưỡng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại mô hình vườn, ao, chuồng rộng 4.000m2 của anh. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trùn quế sống được chế biến thành thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc chế biến thành dịch trùn quế sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tất cả sản phẩm nông nghiệp đều được sản xuất khép kín, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo anh Vương, trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần tạo môi trường có bóng mát và tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp để tạo nguồn thức ăn ổn định thì trùn tăng trưởng tốt. Nuôi trùn quế, giúp cho nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, nguồn đất được cải tạo sẽ giàu chất dinh dưỡng, từ đó, những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Anh Lê Minh Vương xuất bán các sản phẩm từ trùn quế, như: dịch trùn quế, phân trùn quế và các chế phẩm trùn quế khác cho các thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/tháng. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Anh Lê Minh Vương xuất bán các sản phẩm từ trùn quế, như: dịch trùn quế, phân trùn quế và các chế phẩm trùn quế khác cho các thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/tháng. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Hằng tháng, anh Vương xuất bán các sản phẩm từ trùn quế, như: dịch trùn quế, phân trùn quế và các chế phẩm trùn quế khác cho các thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng.

Mấy năm nay, 3 sào (3.000m2) trồng cây măng tây xanh theo mô hình không dùng phân bón hóa học của nông dân Phạm Lê Hùng ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đem lại năng suất cao, lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm, là minh chứng thực tiễn và góp phần tích cực cho việc nhân rộng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở địa phương.

Cách làm của ông Hùng khá đơn giản khi kết hợp giữa trồng măng tây xanh và nuôi bò. Hằng ngày, nguồn chất thải trong quá trình chăn nuôi được dùng làm phân bón cho cây, còn phụ phế phẩm từ cây măng tây xanh sẽ được tận dụng để làm thức ăn cho bò.

Ông Hùng tận dụng phân bò phối trộn với nấm Trichoderma ủ hoai, kết hợp với phân vi sinh trùn quế để bón cho vườn măng tây xanh, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, kháng được nhiều sâu bệnh, không chỉ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà còn giúp tăng năng suất, chất lượng măng loại 1, loại 2 khá cao.

Nông dân Phạm Lê Hùng áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để vườn măng không cho thu hoạch đồng loạt mà chia làm 2 kỳ sinh trưởng, vừa ổn định thu hoạch sản phẩm măng quanh năm, vừa có phụ phế phẩm cho bò ăn. Mỗi ngày, thu hoạch 30kg măng tây, bán với giá 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày.

Mô hình trồng cây măng tây xanh không dùng phân bón hóa học của nông dân Phạm Lê Hùng ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đem lại thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Mô hình trồng cây măng tây xanh không dùng phân bón hóa học của nông dân Phạm Lê Hùng ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đem lại thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trang trại Nắng và Gió ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, hay những trang trại trồng cây nha đam của Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt... đang áp dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của nông nghiệp được tận dụng để tái chế và trở thành đầu vào của quá trình sản xuất mới thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, đem lại hiệu quả cao.

Trang trại Nắng và Gió hiện có gần 100ha trồng các loại cây, như: táo, nho, ổi, dưa lưới, nha đam, rau sạch được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Bằng cách thu gom, sử dụng tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy và ủ men vi sinh, nuôi trùn quế phối trộn cùng với phân gia súc, tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhờ đó, tiết kiệm mỗi năm hơn 1 tỷ đồng chi phí mua phân bón.

Bằng phương thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, Trang trại Nắng và Gió ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) canh tác cây dưa lưới theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm tiết kiệm chi phí phân bón hơn 1 tỷ đồng, đem lại năng suất và giá trị kinh tế cao. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Bằng phương thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, Trang trại Nắng và Gió ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) canh tác cây dưa lưới theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm tiết kiệm chi phí phân bón hơn 1 tỷ đồng, đem lại năng suất và giá trị kinh tế cao. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thuận cho biết: Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là rất phù hợp. Từ thực tế, cho thấy, việc khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu dư thừa trong nông nghiệp trở nên hiệu quả hơn, giảm thiểu lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, đồng thời, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và đặc biệt là triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, triển khai các kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ cho nông dân; hướng dẫn cách bảo quản và chế biến thức ăn cho gia súc, sử dụng công nghệ tiên tiến Biogas, Biomas và đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của các tổ chức, cá nhân đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách làm truyền thống.

Hiện, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp thực hiện mô hình tuần hoàn và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Cùng với đó, nông dân trong tỉnh cũng bắt đầu nhân rộng việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, là tín hiệu tốt cho phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững tại địa phương về lâu dài.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2030, ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp; đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Tỉnh thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-tuan-hoan-post854726.html
Zalo