Nhóm sinh viên sáng chế muỗng nhựa sinh học từ vỏ quất

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhóm sinh viên trường ĐH FPT Cần Thơ đã đưa ra sáng kiến độc đáo: chế tạo muỗng nhựa sinh học từ vỏ trái quất (trái tắc). Không chỉ tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, sáng kiến này còn góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, vấn đề nhức nhối của toàn cầu hiện nay.

Từ ý tưởng táo bạo đến hiện thực hóa sản phẩm

Xuất phát từ ý tưởng cho bài thi cuối kỳ của môn học về khởi nghiệp và mong muốn tạo ra được giá trị cho cộng đồng, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Mai Vinh, Dương Nguyễn Tuyết Trinh, Trần Thị Bích Trâm, Dương Thị Thảo Như và Võ Phước Huy đã bắt đầu dự án sáng chế muỗng nhựa sinh học từ vỏ quất với câu hỏi: "Làm thế nào để tái chế những thứ bị bỏ đi, biến chúng thành sản phẩm có ích và bảo vệ môi trường?".

Các bạn trẻ trường ĐH FPT Cần Thơ nhận thấy sản lượng quất được sản xuất tại Việt Nam hằng năm rất lớn, nhưng số lượng vỏ quất được tiêu thụ bị bỏ đi lại nhiều vô kể. Thế nên, nhóm quyết định tận dụng tiềm năng của nguồn nguyên liệu giá rẻ, dễ tìm kiếm và thu gom, mà chưa được cá nhân hay tổ chức nào khai thác để làm nên muỗng nhựa sinh học dùng một lần.

Chủ nhân của ý tưởng làm muỗng nhựa sinh học từ vỏ quất. (Ảnh: NVCC)

Chủ nhân của ý tưởng làm muỗng nhựa sinh học từ vỏ quất. (Ảnh: NVCC)

Sự độc đáo của dự án còn nằm ở việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp mà không làm phát sinh thêm nguyên liệu mới, góp phần giảm áp lực khai thác tài nguyên.

Để tạo ra một chiếc muỗng nhựa sinh học hoàn chỉnh, nhóm sinh viên đã phải trải qua một quy trình sản xuất khá phức tạp. “Đầu tiên, vỏ quất được thu gom, sau đó sơ chế kỹ lưỡng và sấy khô. Tiếp đó, nhóm tiến hành pha chế nguyên liệu với chất hóa dẻo glycerol và các thành phần phụ gia khác” - Bích Trâm, đại diện nhóm chia sẻ. Sản phẩm sau cùng là những chiếc muỗng nhựa sinh học có thể phân hủy hoàn toàn trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.

Muỗng nhựa sinh học từ vỏ quả quất thân thiện với môi trường và người tiêu dùng. (Ảnh: NVCC)

Muỗng nhựa sinh học từ vỏ quả quất thân thiện với môi trường và người tiêu dùng. (Ảnh: NVCC)

Ưu điểm lớn nhất của muỗng nhựa từ vỏ quất là được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường và không gây hại cho sức khỏe người dùng. Thầy Nguyễn Đình Khôi, giảng viên hướng dẫn của nhóm chia sẻ: “Mặc dù nhựa sinh học từ vỏ quất không thể thay thế hoàn toàn như nhựa plastic khó phân hủy, nhưng chất liệu nhựa sinh học từ quất vẫn đảm bảo được các đặc tính như độ mềm dẻo, khả năng chịu lực, chịu nhiệt vừa phải,... thì hoàn toàn phù hợp cho các loại sản phẩm muỗng ăn sử dụng một lần”.

Nỗ lực đưa sản phẩm ra thị trường

Dù ý tưởng đầy tiềm năng nhưng hành trình hiện thực hóa sản phẩm của nhóm không hề dễ dàng. Đặc biệt, chất lượng nguồn nguyên liệu không đồng nhất là một thách thức lớn. Vỏ quất được thu gom ở các thời điểm và địa phương khác nhau sẽ có độ chín khác nhau, dẫn đến màu sắc sản phẩm không đồng đều. Điều này đòi hỏi nhóm phải nghiên cứu thêm để tối ưu hóa quy trình sản xuất và đảm bảo tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, loại muỗng nhựa từ vỏ quất hiện tại còn một số hạn chế như độ giòn cao, dễ gãy hơn muỗng nhựa thông thường. Tuy nhiên, nhóm sinh viên đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cải thiện chất lượng.

Sản phẩm vẫn tiếp tục hoàn thiện và được cải tiến trong tương lai. (Ảnh: NVCC)

Sản phẩm vẫn tiếp tục hoàn thiện và được cải tiến trong tương lai. (Ảnh: NVCC)

Trong tương lai, đại diện nhóm cho biết, các bạn sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời tập trung vào việc thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh việc sản xuất muỗng nhựa sinh học, nhóm còn có kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm nhựa sinh học khác như ly, dĩa, hộp đựng đồ ăn sử dụng một lần. Các sản phẩm này sẽ được làm từ nguyên liệu sinh học bằng vỏ trái cây và các loại nông sản khác cùng họ quýt, như vỏ cam, bưởi, chanh,... với mục tiêu thay thế nhựa truyền thống và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc phát triển sản phẩm mới, nhóm còn lên kế hoạch cung cấp nguyên liệu nhựa sinh học cho các doanh nghiệp khác, tạo ra nguồn cung cho thị trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thực phẩm, nhóm cũng đang nghiên cứu sản xuất dụng cụ học tập (bút, thước) và sản phẩm du lịch (bàn chải đánh răng, dao cạo râu) từ nhựa sinh học.

Ngày 20/12/2024, nhóm sinh viên đã thành công kêu gọi vốn 50 triệu đồng từ trường để thực hiện dự án. Số vốn này sẽ giúp nhóm chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn triển khai sản xuất, từ việc mua sắm trang thiết bị chuyên dụng cho đến việc đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào. Dự kiến trong 2 tháng đầu năm 2025, nhóm sẽ chính thức bắt đầu quá trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

Bảo Hân - Ngọc Minh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhom-sinh-vien-sang-che-muong-nhua-sinh-hoc-tu-vo-quat-post1708645.tpo
Zalo