Ninh Thuận, Bình Định chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các địa phương Ninh Thuận, Bình Định đã triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó, như cấm tàu thuyền ra khơi, hủy các cuộc họp không quan trọng.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các địa phương Ninh Thuận, Bình Định đã triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó, như cấm tàu thuyền ra khơi, hủy các cuộc họp không quan trọng.
Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hoạt động trên biển từ 20 giờ ngày 25/10
Ngày 25/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có Văn bản hỏa tốc số 5818/PA-PCTT yêu cầu các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão đang di chuyển vào đất liền. Theo đó, từ 20 giờ ngày 25/10, tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 2.520 tàu thuyền với 14.994 lao động, đến sáng 25/10 đã có 2.078 tàu thuyền vào neo đậu tại các bến cảng. Tuy nhiên, hiện tỉnh cũng còn 442 tàu thuyền, trong đó có cả tàu của các tỉnh bạn với 4.201 lao động đang hoạt động trên biển, đã liên lạc được.
Các đơn vị chức năng đang khẩn trương thông báo cho các chủ tàu, thuyền trưởng khẩn trương đưa phương tiện vào các cảng cá tránh trú; đồng thời, thông báo vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các chủ tàu chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ban quản lý các cảng cá tăng cường kiểm tra, tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu tránh, trú bão ven biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nhà ở, số hộ dân sinh sống ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở do áp thấp nhiệt đới, lũ, triều cường để tuyên truyền, vận động và chủ động có phương án hỗ trợ nhân dân gia cố nhà cửa, các công trình ven biển cũng như sơ tán người dân đến nơi an toàn trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ.
Các địa phương ven biển tiếp tục rà soát, nắm chắc số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa..., tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân biết để chủ động di chuyển về nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. Lực lượng chức năng kiên quyết di chuyển người dân ra khỏi lồng bè, phương tiện thủy nội địa trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân.
Đối với khu vực miền núi, vùng trũng thấp dễ xảy ra ngập lụt, các huyện, xã khẩn trương rà soát các khu vực trũng thấp, ven sông, suối, đồi núi thường xuyên bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là các nhà dân sống gần các vùng đồi, núi để chủ động có phương án ứng phó, khắc phục, kịp thời tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.
Các ngành liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, cắm biển cảnh báo và bố trí người túc trực tại những khu vực nguy hiểm trên địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ phương tiện, nhân dân qua lại đảm bảo tuyệt đối an toàn; đối với các khu vực bị chia cắt do nước lũ, tổ chức cắm biển nghiêm cấm phương tiện, người qua lại.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh tăng cường phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để tổ chức tích trữ và xả lũ các hồ chứa đảm bảo đúng quy trình vận hành các hồ chứa nước.
Các đơn vị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực vùng hạ du. Sở Giao thông vận tải có phương án bảo đảm giao thông thông suốt trên tất cả các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 27, 27B, tỉnh lộ. Các địa phương có phương án bảo đảm giao thông thông suốt giữa các xã, phường, thị trấn.
Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó đã đề ra.
Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, trong 24 giờ tới, khu vực vùng biển tỉnh Ninh Thuận có mưa rào và dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh...
Bình Định: Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với mưa, lũ
Chiều 25/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình mưa lũ trên địa bàn những ngày qua và triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 8 trong hai ngày tới đây.
Từ ngày 23/10 đến nay, trên địa bàn Bình Định xuất hiện mưa lớn đều khắp cả tỉnh, lượng mưa bình quân trên 200 mm, có nơi trên 400 mm. Một số khu vực miền núi đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các vùng trũng thấp, ven sông đã xảy ra tình trạng ngập lụt.
Trong đó, huyện An Lão có 3 xã xuất hiện sạt lở đất; tuyến đường từ trung tâm huyện đi xã An Vinh bị sạt lở 3 vị trí, khối lượng sạt lở khoảng 1.500 m3. Thành phố Quy Nhơn xảy ra sạt lở đá trên núi Bà Hỏa xuống đường, làm 3 người bị thương; sạt lở núi tại khu dân cư phường Ghềnh Ráng.
Tại huyện Vân Canh, cầu Ngô La qua quốc lộ 19C bị sập mố cầu và một đoạn mặt cầu, đã khắc phục để thông xe. Một số khu vực tại các huyện Tuy Phước và Phù Cát bị ngập sâu từ 0,5 đến gần 1m, học sinh một số trường phải nghỉ học.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới hiện đang hoạt động ngoài biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão trong hai ngày tới. Dự báo, mưa lớn, diện rộng sẽ tiếp tục xảy ra trên địa bàn Bình Định. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai biện pháp chủ động ứng phó.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở, sập cầu gây ách tắc giao thông trong những ngày qua.
Đặc biệt, tại khu vực sạt lở đá núi Bà Hỏa, lực lượng chức năng đã tạm thời cấm đỗ xe trên đoạn đường dưới vách núi, về lâu dài phải đánh giá lại toàn bộ nguy cơ sạt lở núi đá tại khu vực này.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai biện pháp phòng, chống mưa, lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra; chuẩn bị đầy đủ phương tiện để kịp thời sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét; kêu gọi tàu thuyền về tránh trú an toàn, không để phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm./.