Ninh Bình thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ trọng tâm

Năm 2025, tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 12%. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với sự chủ động, trách nhiệm, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết rất cao của các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ trọng tâm vừa sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy đi đôi với triển khai phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn giai đoạn II. Ảnh: Anh Tuấn

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn giai đoạn II. Ảnh: Anh Tuấn

Tinh gọn tổ chức bộ máy kịp thời, đúng tiến độ

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt “vừa chạy, vừa xếp hàng”, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”.

Theo đó, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các văn bản của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/ TW.

UBND tỉnh ban hành Đề án số 02/ĐAUBND ngày 14/2/2025 tổng thể sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo đánh giá, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của tỉnh có kế hoạch, bước đi, lộ trình cụ thể đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra. Bước đầu bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, không bị gián đoạn công việc. Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không bị mất cân đối về nhân lực giữa các đơn vị.

UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác chính trị tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động đối với các đơn vị sắp xếp, do đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về sắp xếp, hợp nhất các cơ quan.

Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức hợp nhất các cơ quan chuyên môn, cụ thể: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Xây dựng; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học và Công nghệ; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ.

Hiện tỉnh đã giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện do sáp nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Đối với cơ quan hành chính, toàn tỉnh giảm 5/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tương ứng giảm 27,8%; giảm 22 phòng chuyên môn và tương đương cấp tỉnh, tương ứng giảm 17,46%; giảm 24 phòng chuyên môn và tương đương cấp huyện, tương ứng giảm 25,2%.

Đối với đơn vị sự nghiệp, toàn tỉnh dự kiến giảm 102 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện, tương ứng giảm 17,22%. Cùng với đó, tỉnh đã tiếp tục việc thẩm định, hiệp y và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định.

Nhiều chỉ tiêu tăng cao so với kịch bản tăng trưởng

Xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Thủ tướng Chỉnh phủ giao cho tỉnh Ninh Bình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành nhận diện những khó khăn, thách thức, xác định động lực tăng trưởng kinh tế, xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 của tỉnh theo từng quý, làm cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội hàng tháng.

Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng, do vậy các cấp, các ngành đã chủ động đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ngay từ những tháng đầu năm. Nhờ đó, tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển tốt. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 10,42% so với cùng kỳ; doanh thu các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp 3 tháng đầu năm ước đạt 20.874 tỷ đồng; 7/12 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã vượt kịch bản tăng trưởng đề ra.

Với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt trên 849,8 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ, vượt 17,9% so với kịch bản tăng trưởng. Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: xi măng clanke tăng 11,4%; phân đạm tăng 3,4 lần; linh kiện phụ tùng ô tô các loại tăng 42,3%; camera và linh kiện tăng 15,8%…; một số mặt hàng xuất khẩu có mức giảm sút như: giày dép các loại giảm 8,2%; kính quang học giảm 64,4%; phôi nhôm giảm 9,9%; đồ chơi trẻ em giảm 19,1%...

Hoạt động thương mại và dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm tiếp tục khẳng định được vai trò động lực tăng trưởng mới với tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I ước đạt 25,12 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3%.

Trong đó, nổi bật là hoạt động du lịch diễn ra sôi động, các chỉ số phát triển về số lượt khách, doanh thu đều tăng cao. Cụ thể, trong quý I, toàn tỉnh đạt 4,4 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ, vượt 10,7% so với kịch bản tăng trưởng đề ra; trong đó có khoảng 535 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động du lịch đạt 4.691,6 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024, vượt 7,46% so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Công tác thu hút đầu tư và hoạt động đăng ký doanh nghiệp có nhiều khởi sắc.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính, trong quý I, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 8 dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 38 dự án, tăng 13 dự án so với cùng kỳ năm 2024, với tổng vốn đăng ký là 5.271,48 tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Đặc biệt, hoạt động đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh, trong quý I, toàn tỉnh đăng ký thành lập mới 635 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 356 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đạt 1.588,7 tỷ đồng tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Nhiệm vụ xuyên suốt

Nhìn vào sự tăng trưởng của các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh có thể thấy sự nỗ lực cao của các cấp, ngành trong tỉnh, sự chủ động tích cực từ phía doanh nghiệp và sự hỗ trợ tham gia nhiệt tình của Nhân dân.

Do đó tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý I đạt được những kết quả toàn diện, nhiều lĩnh vực có kết quả nổi bật. Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,06%, tuy chưa đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất các quý I trong 5 năm trở lại đây; đứng thứ 6 khu vực đồng bằng Sông Hồng, xếp thứ 14 trong cả nước.

Đây là kết quả rất quan trọng để Ninh Bình vững tin phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đã được Thủ tướng Chỉnh phủ giao và HĐND tỉnh thông qua là đạt 12%.

Bước vào quý II, các nhiệm vụ, mục tiêu lớn của tỉnh được đặt trong bối cảnh, yêu cầu rất đặc biệt, khó khăn, phức tạp khi vừa phải quyết tâm nỗ lực cao nhất để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh nhưng đồng thời cũng phải thực hiện sắp xếp tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó có việc hợp nhất các xã và kết thúc hoạt động cấp huyện.

Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh cần hoàn thành các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để hình thành đơn vị hành chính cấp cơ sở và kết thúc hoạt động của cấp huyện đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra.

Song song với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh cần kiên định với các giải pháp tăng trưởng kinh tế theo kịch bản đã đề ra; chủ động theo dõi sát, nắm chắc tình hình phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chủ lực của khu vực công nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-thuc-hien-hieu-qua-hai-nhiem-vu-trong-tam-640210.htm
Zalo