Giảm nghèo bền vững từ loài cây trồng một lần, thu cả thập kỷ
Từ một loại cây trồng mới mẻ, cây gai xanh đang dần trở thành 'cây thoát nghèo' ở các huyện miền núi tỉnh Hòa Bình. Phía sau câu chuyện thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nông nghiệp là vai trò trung tâm của hợp tác xã (HTX) - đơn vị tổ chức sản xuất, liên kết thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững ở nông thôn.
Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025, nhiều địa phương miền núi đã và đang tìm hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế. Tại Hòa Bình, cây gai xanh nổi lên như một giải pháp mới đầy tiềm năng.
Hướng đi mới cho miền đất vùng cao

Cây gai xanh được xác định là cây giảm nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Yên Hòa là xã vùng cao của huyện Đà Bắc, có địa hình tương đối bằng phẳng với các bãi đất rộng màu mỡ. Nơi đây trước chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Từ khi cây gai xanh được đưa vào trồng thử nghiệm, các gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây mới này. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, kỹ thuật chăm sóc tốt, diện tích trồng gai xanh cho năng suất và thu nhập ổn định.
Theo lời người dân Yên Hòa, cây gai xanh dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt. Cây trồng vụ đầu tiên sẽ cho thu hoạch sau 75 ngày. Khi thu hoạch chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau đó chỉ cần bón phân, làm cỏ. Các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 47 - 50 ngày. Cây gai xanh cho thu 4 lứa chính trong năm, nếu chăm sóc tốt có thể được 5 lứa và cho thu hoạch liên tục trong 10 - 15 năm.
Hơn nữa, gai xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể tận dụng tất cả bộ phận của cây để làm ra sản phẩm; vỏ cây dùng để sản xuất sợi, dệt vải; lá cây có thể chế biến bánh gai và chiết xuất tinh dầu, làm thức ăn chăn nuôi; thân cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy…
Chỉ riêng vỏ cây, với giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô, tính ra mỗi 1 ha có thể thu được từ 80 – 100 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng ngô, sắn.
Sau quá trình thử nghiệm, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng kết luận, với cây gai trồng mới, năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu tiên từ 1,1 -2,1 tấn vỏ/ha. Đối với cây trồng lưu gốc, năng suất thu hoạch từ 3- 3,6 tấn vỏ gai khô/ha/năm.
Tại huyện Đà Bắc, ngoài xã Yên Hòa, cây gai xanh đã được đưa vào trồng tại các xã Tú Lý, Cao Sơn, Mường Chiềng, Đồng Chum, Đoàn Kết, Trung Thành. Cây sinh trưởng, phát triển tốt và khá đồng đều tại các địa phương.
'Hạt nhân' của chuỗi giá trị nông nghiệp
Tại Hòa Bình nói chung, việc trồng cây gai xanh được phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, trong đó HTX đóng vai trò là “hạt nhân” trong chuỗi liên kết. Như tại Yên Hòa, đầu ra được HTX bao tiêu, giúp bà con yên tâm canh tác.
Một trong những HTX tiên phong trong phát triển cây gai xanh ở Hòa Bình là HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Hòa Bình.
HTX thành lập tháng 6/2017 với 7 thành viên chính thức và 30 hộ thành viên liên kết, trụ sở đặt tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình và 1 chi nhánh tại huyện Đà Bắc.
Thay vì đi theo lối mòn là phát triển sản xuất rồi mới tìm đầu ra tiêu thụ, HTX DVNN Hòa Bình đã lấy thị trường tiêu thụ làm xuất phát điểm để xây dựng chuỗi liên kết.
Năm 2020, HTX DVNN Hòa Bình kết nối với CTCP đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đưa cây gai xanh vào trồng thử nghiệm trên đất của thành viên HTX. Từ hiệu quả thu được, HTX mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty An Phước trong 10 năm. Trong mối liên kết này, HTX đứng vai trò đầu mối kiểm soát sản xuất của các hộ theo quy trình kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ kỹ thuật, giống và phân bón trả chậm cho các hộ và cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm sản xuất ra.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình này, HTX DVNN Hòa Bình đã dần dần mở rộng quy mô liên kết với các hộ dân. Qua đó, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Từ vỏ cây gai xanh, trải qua công nghệ xử lý cho ra đời loại sợi vô cùng bền chắc.
Ở Hòa Bình, HTX Chiềng Rồng, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn cũng đi lên từ cây gai. Thời điểm mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn như nguồn thu chưa ổn định, thành viên đông nhưng chưa có chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Quan trọng hơn, gai xanh là loại cây mới trong khu vực nên bà con còn nhiều bỡ ngỡ, phân vân, chưa tin tưởng loại cây mới này.
Để bà con yên tâm sản xuất, HTX cũng đi theo con đường ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp hỗ trợ cho các chủ hộ 75% tiền giống, cam kết bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cử kỹ thuật viên phối hợp với HTX hướng dẫn người dân chăm sóc cây từ khi bắt đầu trồng đến hết quá trình thu hoạch theo phương pháp "cầm tay chỉ việc”.
Mô hình chuỗi liên kết chặt chẽ này đã chứng minh hiệu quả. Lợi nhuận sản xuất sau khi trừ hết chi phí đạt khoảng 150 triệu đồng/hộ/năm, một con số đáng kể ở vùng núi.
Tiếp tục tiếp sức cho HTX
Cây gai xanh không phải là “cây thần kỳ”, nhưng nhờ tổ chức sản xuất khoa học, xây dựng chuỗi liên kết thông qua HTX đã trở thành giải pháp thiết thực, căn cơ trong chương trình giảm nghèo bền vững.
Chính quyền tỉnh Hòa Bình đã sớm nhìn thấy tiềm năng này. UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài khoa học "Ứng dụng Khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình trồng thâm canh, chế biến và phát triển cây Gai xanh AP1 tại tỉnh Hòa Bình” bao gồm các nội dung nghiên cứu về mùa vụ; nền phân bón và kỹ thuật bón phân; thử nghiệm các công thức chế biến sản phẩm phụ (lõi thân, lá gai) thành phân bón và thức ăn chăn nuôi; chế biến và thử nghiệm thời gian, hình thức bảo quản tinh bột lá gai…
Chính quyền các huyện, thành phố của Hòa Bình cũng tiếp tục nghiên cứu bổ sung cây gai xanh vào cơ cấu cây trồng địa phương; mở rộng diện tích cây gai xanh tại những vùng phù hợp theo hướng trồng tập trung, không nhỏ lẻ phân tán và không xâm lấn vào các vùng đã quy hoạch cây trồng chủ lực khác.
Tuy nhiên, để mô hình sản xuất hiệu quả với HTX là "hạt nhân" của chuỗi liên kết tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng mạnh mẽ, cần tiếp tục hỗ trợ tín dụng, thiết bị và đào tạo cán bộ HTX, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa; mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm chế biến từ cây gai. Bên cạnh đó, cần tăng cường chính sách ưu đãi đầu tư vào HTX trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các HTX mạnh dạn đổi mới mô hình hoạt động, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; phát triển thương hiệu và truy xuất nguồn gốc; tìm kiếm được nhiều đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, làm tốt vai trò cầu nối giữa các HTX với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cơ quan quản lý nhà nước.