Nhà khoa học trẻ đưa công nghệ vào xử lý môi trường
Với hơn 40 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, TS Trương Hải Bằng - Nghiên cứu viên, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, trường ĐH Văn Lang đã tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực công nghệ môi trường. Các nghiên cứu của anh về xúc tác quang composite và xử lý ô nhiễm nước không chỉ mang tính đột phá mà còn góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách tại Việt Nam.
Bước ngoặt từ đam mê môi trường
Hành trình của TS Trương Hải Bằng bắt đầu từ một tuổi thơ gắn bó với những con phố đông đúc, nơi anh chứng kiến vấn đề ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Từ những bãi rác bốc mùi đến dòng nước đen ngòm, anh luôn đặt câu hỏi: “Liệu môi trường có thể đẹp như trong những thước phim nước ngoài không?”, anh chia sẻ.
Ban đầu, anh theo học ngành Công nghệ Hóa dầu tại trường ĐH Công nghiệp TP. HCM. Tuy nhiên, sự thôi thúc từ niềm đam mê đã khiến anh quyết định quay trở lại với môi trường khi nhận học bổng tiến sĩ tại ĐH Sejong (Hàn Quốc), năm 2017. Dưới sự hướng dẫn của GS Jin Hur, anh bắt đầu hành trình khám phá và cải tiến các giải pháp xử lý ô nhiễm nước.
“Đó là một quyết định lớn, nhưng tôi biết mình đang bước đi đúng hướng. Khi chọn lĩnh vực mình thực sự yêu thích, bạn không bao giờ cảm thấy công việc chỉ là nghĩa vụ”, TS Trương Hải Bằng chia sẻ.
Những bước đi khoa học đầy thách thức
Bước vào thế giới nghiên cứu, khó khăn đầu tiên mà TS Trương Hải Bằng gặp phải là rào cản kỹ thuật và kiến thức mới. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuỗi thất bại liên tục trong 7 tháng đầu tại phòng thí nghiệm DOM Lab. Anh kể lại: “Toàn bộ mẫu thí nghiệm đều bị sai kỹ thuật, khiến tôi phải làm lại từ đầu. Thất vọng có, nhưng tôi chọn đối mặt, học hỏi từ lỗi sai để tiến bộ hơn”.
Nhờ sự kiên trì, anh đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nghiên cứu. Bốn công trình của anh được đăng trên Chemical Engineering Journal – tạp chí khoa học uy tín với hệ số ảnh hưởng 15. Các nghiên cứu tập trung phát triển hệ xúc tác quang composite hoạt động trong vùng ánh sáng nhìn thấy, giúp xử lý nước ô nhiễm hiệu quả và bền vững.
Các hệ xúc tác do anh phát triển sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như độ bền cao, khả năng tái sử dụng và tính năng thu hồi dễ dàng. Điều này không chỉ nâng cao giá trị khoa học mà còn mở ra tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong thực tế, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Cầu nối giữa khoa học và thực tiễn
Với khát vọng mang lại những thay đổi tích cực cho môi trường Việt Nam, TS Trương Hải Bằng luôn hướng đến việc ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn. Anh đang ấp ủ kế hoạch sử dụng vật liệu tự nhiên sẵn có tại Việt Nam để phát triển các giải pháp xử lý nước với chi phí tối ưu.
Ngoài nghiên cứu, anh còn đam mê đào tạo các thế hệ nhà khoa học trẻ. Anh chia sẻ: “Tôi muốn giúp các bạn trẻ nắm vững kiến thức nền tảng và kỹ năng thực nghiệm. Một thế hệ nhà nghiên cứu có năng lực sẽ là nền móng vững chắc cho những đột phá tương lai”.
Theo TS Trương Hải Bằng, yếu tố quan trọng nhất trong khoa học là tinh thần học hỏi không ngừng và khả năng tư duy phản biện. Anh khuyến khích các bạn trẻ hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ, tích lũy kinh nghiệm từng ngày, đồng thời luôn giữ thái độ khiêm tốn để sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ mọi phía.
Chinh phục tương lai bằng đam mê
Dù hành trình nghiên cứu còn nhiều thử thách, TS Trương Hải Bằng luôn tin tưởng vào mục tiêu đã chọn. “Tôi tin rằng, mỗi nỗ lực nhỏ sẽ tạo nên thay đổi lớn. Khoa học không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm mà còn phải giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh khẳng định.
Đối với TS Trương Hải Bằng, khoa học không phải cuộc đua của sự hoàn hảo mà là hành trình học hỏi không ngừng. Chính sự kiên trì, sáng tạo và đam mê đã giúp anh vượt qua mọi giới hạn để đóng góp những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Với những thành tựu đã đạt được, TS Trương Hải Bằng không chỉ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ để mỗi người góp phần vào hành trình bảo vệ môi trường.