Ninh Bình: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra thực tế đê Hoàng Long

Chiều muộn ngày 12/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long, Ninh Bình.

Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan...

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 2 địa phương Nho Quan, Gia Viễn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra trạm bơm Gia Viễn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra trạm bơm Gia Viễn

Qua kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Gia Viễn và đập tràn Lạc Khoái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ghi nhận tinh thần chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ sau cơn bão số 3 của tỉnh Ninh Bình.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã triển khai theo đúng quy trình dự lệnh xả tràn, tiến hành phương án di dân khi mực nước đạt 4,9 m và chuẩn bị tốt công tác "bốn tại chỗ" ở địa phương. Điểm đáng ghi nhận là tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân chủ động cuộc sống, không hoang mang, dao động, chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, khuyến cáo của chính quyền cũng như tham gia cùng với Nhà nước trong việc ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra trên các tuyến đê.

Phó Thủ tướng trực tiếp nghe báo cáo tại đập tràn đê hữu Hoàng Long, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn

Phó Thủ tướng trực tiếp nghe báo cáo tại đập tràn đê hữu Hoàng Long, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay mực nước trên các sông Hưng Thi, sông Hồng, sông Nhuệ đã giảm, thêm vào đó theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước trên sông Đáy và sông Hoàng Long đang có chiều hướng chững. Như vậy, các yếu tố tác động làm giảm mực nước lũ trên các sông của Ninh Bình rất thuận lợi.

Tuy nhiên, phải nhận định rõ, việc mực nước lũ có chững chỉ giảm mức độ nguy hiểm, còn vẫn đang trên mức báo động 3, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình đặc biệt lưu ý không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tổ chức các phương án trực sẵn sàng khi có tình huống xảy ra; huy động lực lượng tuần tra canh gác đê liên tục cho đến khi an toàn.

Các cấp chính quyền huy động tối đa nguồn lực chăm lo tốt đời sống cho Nhân dân, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, không để Nhân dân thiếu thực phẩm, thiếu nước uống, thiếu thuốc chữa bệnh… Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tiếp tục nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của mưa lũ, chủ động phòng tránh an toàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình đặc biệt lưu ý không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tổ chức các phương án trực sẵn sàng khi có tình huống xảy ra

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình đặc biệt lưu ý không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tổ chức các phương án trực sẵn sàng khi có tình huống xảy ra

Hiện nay, mực nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy đang xuống chậm. Tỉnh Ninh Bình tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ các dự báo về mưa lũ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó theo các kịnh bản đã được phê duyệt trong công tác vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Lúc 18h ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Để là 4,92 m (trên BĐ3: 0,92 m), tại Gián Khẩu 4,49m (trên BĐ3: 0,79m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,19 m (trên BĐ3: 0,69 m), trên mức đinh lũ lịch sử năm 2017: 0,25 m.

Dự báo, trong 12 - 24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục biến đổi chậm: Tại Bến Đế khả năng ở mức 5-5,2 m (trên BĐ3 từ 1-1,2 m); tại Gián Khẩu lên mức 4,5-4,7 m (trên BĐ3 từ 0,8-1 m). Trên sông Đáy tại Ninh Binh tiếp tục biến đổi chậm mức 4,2-4,4 m (trên BĐ3 từ 0,7-0,9 m).

Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn, nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thắp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đổi với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Dự kiến, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống, tỉnh Ninh Bình khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ninh-binh--pho-thu-tuong-chinh-phu-tran-hong-ha-kiem-tra-thuc-te-de-hoang-long-126572.htm
Zalo