Ninh Bình: nhận diện rõ tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa

Ninh Bình đã và đang triển khai một số nhiệm vụ mang tính đột phá, có chính sách khuyến khích đầu tư, huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Nhận thức sâu sắc việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên, Ninh Bình chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa-xã hội, môi trường sinh thái chuyên biệt, đặc sắc dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024.

Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024.

Theo đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa: giai đoạn 2015-2020 chi đầu tư cho sự nghiệp văn hóa chiếm 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh; giai đoạn 2021-2025 chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hóa chiếm 20% tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh.

Những năm gần đây, với việc tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại không gian thiên nhiên, văn hóa nổi bật của tỉnh, Ninh Bình đã tạo điểm nhấn hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng như liên hoan múa quốc tế, đêm nhạc the music of ABBA, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, Festival Ninh Bình... Qua đó cho thấy tiềm năng to lớn của tỉnh trong việc biến các giá trị văn hóa, không gian di sản trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo, đặc sắc.

Tỉnh Ninh Bình gần như có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các lĩnh vực như: du lịch, nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm....

Hiện, Ninh Bình có trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó có 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 5 bảo vật quốc gia, cùng với đó là gần 400 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.

Những không gian văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, những công trình kiến trúc văn hóa đồ sộ, uy linh… là những điều kiện rất thuận lợi để Ninh Bình phát triển công nghiệp điện ảnh.

Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Năm 2022, Tạp chí Du lịch và giải trí Mỹ xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á.

Để tiếp tục hiện thực hóa chủ trương, định hướng của tỉnh, xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn có giá trị cao về du lịch, công nghiệp văn hóa và tổ chức sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 4/11/2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa đã đề ra đến năm 2030 là "phấn đấu công nghiệp văn hóa chiếm trên 10% GRDP", trong thời gian tới, Ninh Bình cần tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công nghiệp văn hóa.

Nguyễn Hương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ninh-binh-nhan-dien-ro-tiem-nang-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa.html
Zalo