Khám phá Ngọa Long Sơn

Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Theo lời anh Lê Sỹ Đại-Chủ khu nhà vườn: Trước đây, nơi này là vùng đất ‘‘xôi đậu”. Ban ngày, địch đi càn. Ban đêm, ta đến ở. Sau ngày Gia Lai được giải phóng (17-3-1975), người dân Pleiku đến đây khai phá đất trồng cà phê và cây ăn quả. Năm 2019, để thỏa nguyện mong ước có được một khu nhà vườn nghỉ dưỡng cho riêng mình, anh Đại đã mua lại mảnh đất này, ban đầu chỉ 3 ha, nay mở rộng thêm hơn 2 ha.

 Du khách tham quan Ngọa Long Sơn. Ảnh: T.A

Du khách tham quan Ngọa Long Sơn. Ảnh: T.A

Trong lúc đang chuẩn bị cho việc thi công khu nhà vườn, thấy loại hình du lịch nghỉ dưỡng nở rộ, anh Đại đã quyết định xây dựng nhà nghỉ dưỡng theo xu hướng chung của xã hội. Trước khi thiết kế, anh đã lên quy hoạch mặt bằng cụ thể, phác thảo bản vẽ chi tiết và dành nhiều thời gian đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, đến tận đất nước bạn Lào và Campuchia để học hỏi, tìm hiểu về mô hình nhà vườn nghỉ dưỡng và tìm kiếm vật liệu thi công.

Sau gần 5 năm dốc tâm dốc sức, tiền bạc và cả thời gian, từ mảnh đất vốn chẳng có gì, anh Đại đã dần hiện thực hóa ước mơ về khu nhà nghỉ dưỡng theo cách mà mình muốn. Anh cũng dành tất cả yêu thương và tâm huyết, đặt cho khu nhà vườn nghỉ dưỡng cái tên ‘‘Ngọa Long Sơn’’ (tên của cây si búp đỏ có tuổi đời 300 năm, dáng long, thế nằm, dài 15 m được di thực từ Hà Tĩnh vào đây) mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

 Những gốc thông cổ thụ dáng bon sai thật bắt mắt. Ảnh: Trung Anh

Những gốc thông cổ thụ dáng bon sai thật bắt mắt. Ảnh: Trung Anh

Đến nay, ngoài 500 cây cổ thụ quý hiếm, Ngọa Long Sơn còn sở hữu hàng chục căn nhà gỗ truyền thống của người Kinh và nhà sàn cách điệu của người Bahnar, Jrai, xây dựng bằng những loại gỗ quý như: trắc, giáng hương, cẩm lai, sao xanh... có tuổi đời hàng ngàn năm, đã hóa nu, hóa thạch và hơn 5.000 tấn đá, phần lớn đá quý được tìm từ khắp nơi đưa về đây tạo dựng thành những dãy núi đá. Các núi đá này khiêm tốn nép mình bên những hàng cây cổ thụ và nhà gỗ, hòa hợp vào địa hình, cây cỏ làm cho không gian sống nơi này trong lành, bình yên.

Lần đầu tiên đặt chân đến Ngọa Long Sơn, tôi không những ngỡ ngàng trước diện tích khu vườn rộng đến 5 ha, mà còn bỡ ngỡ trước lối kiến trúc đa dạng, độc đáo của nó. Mọi không gian ở đây được sử dụng hiệu quả, không làm biến đổi cấu trúc tự nhiên của mảnh đất mà tận dụng tối đa vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng.

Từ việc bố trí cây xanh, nhà gỗ, lối đi, thảm cỏ cho đến những tiểu cảnh như: hồ nước, hòn non bộ, núi đá, vườn hoa, vườn thông bonsai... được sắp xếp khoa học và tỉ mẩn trên từng mét vuông đất. Mỗi thiết kế có nét đặc trưng và sự thu hút riêng, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc đối với khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Cây si đỏ cổ thụ có dáng rồng (biểu tượng của khu nhà vườn) đặt ngay khu trung tâm, cạnh hồ nước rộng trên 300 m2, nơi có thác năm tầng. Nước từ trên cao đổ xuống những tảng đá to xếp chồng lên nhau thành bậc, tung bọt trắng xóa, hơi nước bay bay rồi lẫn vào gió, số còn lại chảy vào hồ tạo ra những bong bóng nước cho đàn cá koi trong hồ bơi lượn.

Gần 500 cây cổ thụ khác như: nhãn, khế, mít nu, thiên tuế, giáng hương, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, thông ba lá... có dáng lão, dáng nai, thế long, thế thác đổ... đảm bảo tiêu chí: cổ-kỳ-mỹ-văn mà giới chơi cây cổ thụ săn lùng, được trồng ở những vị trí phù hợp với từng loại cây và thế cây, tựa như một rừng cây cổ thụ.

Nhà gỗ là linh hồn của Ngọa Long Sơn, vì sự ra đời của khu nhà vườn này bắt nguồn từ lòng đam mê gỗ của gia chủ. Theo lời kể của anh Đại, lúc còn nhỏ, anh được sống trong căn nhà gỗ cổ truyền thống của ông nội ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hình ảnh căn nhà gỗ 3 gian, từ cái bậu cửa, bức thuận gỗ ngăn gian buồng cho tới bộ bàn ghế gỗ chạm khắc, khung cửa, cánh cửa lớn nhỏ trong nhà đã in sâu trong tâm trí anh.

Năm 2019, anh bắt tay xây dựng căn nhà gỗ đầu tiên trên mảnh đất này. Căn nhà này làm bằng gỗ lim, một lầu, lối kiến trúc thuần Việt, mô phỏng nhà gỗ sân vườn của 3 miền Bắc-Trung-Nam, có sự giao thoa giữa xưa và nay. Đặc biệt, tất cả vật dụng đang sử dụng bên trong đều là gỗ quý hiếm do anh Đại sưu tầm, được chế tác từ bàn tay những người thợ có tay nghề cao ở các làng nghề gỗ truyền thống như: làng nghề Chàng Sơn (Hà Nội), làng nghề chạm gỗ La Xuyên (Nam Định), làng nghề mộc Đạt Tài (Thanh Hóa)...

 Du khách thích thú với cảnh quan nơi đây. Ảnh: Trung Anh

Du khách thích thú với cảnh quan nơi đây. Ảnh: Trung Anh

Khi nhu cầu xây dựng nhà vườn kinh doanh nghỉ dưỡng phát triển mạnh, anh Đại cho xây dựng thêm hàng chục căn nhà gỗ có lối kiến trúc khác nhau để phục vụ nhu cầu của khách. Các nhà gỗ này tựa vào nhau thành một quần thể nhà gỗ, khiêm tốn ẩn mình trong khu rừng gỗ quý giáng hương, dưới những tán cây cổ thụ bên cạnh thác nước và trên những lối đi trong vườn.

Quần thể nhà gỗ này trong tương lai sẽ chuyển đổi công năng thành khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch của Ngọa Long Sơn. Hiện nay, khách có thể đến đây thưởng ngoạn, uống cà phê và nghe tiếng chim hót để quên đi những giờ phút nhọc nhằn trong cuộc sống.

Nằm giữa khu nhà vườn, cạnh căn nhà gỗ chính có một gò đồi trồng thông bonsai có diện tích khoảng 150 m2 được phủ xanh bằng cỏ Nhật, trông rất bắt mắt. Những cây thông bonsai thế độc lạ, cao 3-5 m, hòa mình vào thiên nhiên, tỏa dáng rất đẹp. Khi mặt trời lên, ánh nắng len lỏi qua từng tán lá, chiếu rọi những giọt nắng vàng ấm áp lên mặt cỏ xanh tạo nên những hình ảnh đẹp như tranh vẽ. Nơi đây thu hút rất nhiều khách đến check-in vì vẻ đẹp độc đáo của nó.

Hy vọng trong một ngày không xa, Ngọa Long Sơn sẽ là một điểm nhấn cho Gia Lai về loại hình du lịch nghỉ dưỡng chữa lành đang phát triển.

TRUNG ANH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kham-pha-ngoa-long-son-post306757.html
Zalo