Ninh Bình ký ức mẹ
Mẹ tôi sinh ra ở làng Đa Giá, xã Ninh Mỹ, xưa là huyện Gia Khánh, giờ là huyện Hoa Lư. Là bởi năm 1945, mẹ tôi đã thoát ly, mà cái thời ấy, đi lại đâu dễ dàng gì, nên một mạch cho tới tận ngày mẹ đẻ tôi thì ông ngoại mới tay nải đi bộ từ Ninh Bình vào Thanh Hóa thăm.
![Làng quê Ninh Bình xưa. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2024_12_02_442_50873087/648de5681c27f579ac36.jpg)
Làng quê Ninh Bình xưa. Ảnh tư liệu
Trước đó, hồi cải cách ruộng đất, mẹ kể, một ngày sát tết bà đi bộ từ Thanh Hóa ra Ninh Bình ăn tết với gia đình. Tối nhọ nhẹ 30 tết tới nhà, im lặng và tối tăm, bếp lạnh tanh, một nải chuối xanh lăn lóc. Cậu, em mẹ, nói chuối để mai mùng 1 nấu ăn, thày đang ngoài đình. Tất tưởi ra đình thì ông ngoại đang bị đấu tố. Bà mang giấy tờ ra trình bày. Lúc sau thì có mấy cậu du kích đeo súng tới bảo chị phải rời nhà ngay. Bà bảo mấy đứa này là em họ mà lúc ấy nó như chả biết bà là ai. Trong đêm họ trục xuất bà ra khỏi làng. Thế là lại đi bộ Ninh Bình-Thanh Hóa trong đêm, vừa đi vừa khóc. Nên hồi ba tôi tập kết từ Huế ra Thanh Hóa gặp mẹ tôi và lấy nhau thì chỉ có tổ chức chứng kiến, 2 bên gia đình chả có ai. Tới khi sinh tôi thì bố con mới lại gặp nhau ở Thanh Hóa, tức bố vợ mới biết mặt con rể. Thăm mẹ con tôi xong, ông về và mất. Hồi ấy công tác, đi sơ tán chạy bom đạn miết, nên cũng ít có thời gian về quê, vả nói cho công bằng, quê chỉ còn các cậu con bà ngoại kế, chứ ông bà ngoại tôi mất cả nên chủ yếu các cậu các dì đạp xe vào Thanh Hóa thăm mẹ và gia đình tôi.
Khi tôi lớn, học lớp 7 hệ 10 năm, thì cứ hè là mẹ lại cho tôi một mình một xe, đạp từ Thanh Hóa ra Ninh Bình chơi với bà ngoại kế, các cậu và con các cậu. Đấy là những phần thưởng rất lớn với tôi.
Tất nhiên trước đấy, cả nhà tôi 4 người, ba mẹ và 2 anh em tôi, đã nhiều lần tàu chợ Thanh Hóa - Ninh Bình, và nó cứ neo mãi trong tôi ký ức tàu chợ. Những cú đi tàu như thế có khi mẹ tôi “nháp” để giao xe đạp cho tôi đi một mình về Ninh Bình. Mà mẹ tôi nâng con hơn nâng trứng mỏng dù cụ rất nghiêm khắc, chả hiểu sao lại tin tưởng cho một thằng oắt con là tôi, bé như cái kẹo, đạp xe bằng đầu ngón chân vì đặt cả bàn chưa tới pedan, nhún bên này vẹo bên kia, nhấp nhổm thế mà rồi cũng tới Ninh Bình.
Cái xe hồi ấy là cả gia tài, ông con trai, dẫu khi đẻ suy dinh dưỡng nặng, mẹ không có sữa phải nuôi bằng nước cơm, oặt oẹo lớn, thì vẫn cũng là hơn cả gia tài. Thế mà cứ hè là 2 gia tài ấy tha nhau gần trăm cây số Thanh Hóa-Ninh Bình. Nên từ hồi lớp 7 trên 10 hồi ấy tôi đã thuộc lòng cung đường này, từ Đò Lèn, Hà Trung, tới Bỉm Sơn, Tam Điệp, tới Ghềnh, cầu Lim rồi núi Xẻ.
Nhà bà ngoại tôi ở ngay núi Xẻ, thuộc xã Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình. Giờ nó là ranh giới ngay thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Hồi ấy đường 1 chạy qua đoạn này luồn qua núi Xẻ. Chính xác là chạy qua chân núi, mà quả núi này có một hòn đá khổng lồ vươn sang bên kia đường, tạo thành một cái hang. Đầu tiên là người ta phá xong cái phần chườm qua đường ấy nung vôi và làm đá xây dựng.
Tôi nhớ cả làng Đa Giá thời ấy có nghề đập đá. Từ những cục đá to, các bà các chị ngồi dùng búa đập ra thành đá 1x2 rồi 2x3 và 3x4… Các chàng trai thì phá đá. Từ cái hòn đá khổng lồ vươn qua đường ấy, người ta "quy hoạch" xong cả ngọn núi Sẻ khổng lồ, để giờ nó tức phải một bước chân nữa nó mới là phố. Nhưng nó đã nhằng nhịt phố rồi.
Mới nhất tôi từ Hà Nội về. Chú em dặn: Em sẽ ra đón anh ngay ngã ba. Thế mà cả chục cú điện thoại mới đến đúng “làng”. Tất nhiên nhiều ngôi nhà được xây to đẹp hơn. Tôi nhớ ngày xưa, cậu bé Hùng là tôi mỗi khi về quê đều được chiều hết nấc. Bà ngoại đưa đi khắp làng, và tôi thích chơi với những con ốc sên bò đầy trên những bức tường bằng đá, phía trên trồng xương rồng, loại xương rồng bẹt như bàn tay, rất nhiều ốc sên ở đấy, nó cứ ngơ ngác thò đầu ra, giơ cặp râu ngoe nguẩy.
Cậu tôi, ông giáo dạy toán trường cấp 2 kiêm thợ sửa đài (radio), là người đầu tiên ở đây nuôi dê. Cứ mỗi sáng ông lại ra chuồng dê phía sau vắt một cốc sữa dê ép tôi uống. Ép vì tôi thấy nó hoi, không chịu uống. Mà ông thì lúc ấy lít nhít 7 đứa con gái, chắc chúng chả được uống như tôi. Và cũng bởi quê tôi rất quý con trai, cứ phải là đẻ con trai mới gọi là... đẻ, nên ông làm liền tù tì 7 đứa con gái, và đứa thứ 8 là... trai. Ông đắc ý, đấy thấy chưa? Và từ đấy cậu thứ 8 này chính thức là trai trưởng, là bác cả của gia đình họ Lê, họ mẹ tôi. Ông bà ngoại tôi đẻ cũng... giỏi, tổng cộng 9 người, 5 gái 4 trai, mẹ tôi là đầu, tôi danh nghĩa là lớn nhất, cả tuổi và thứ bậc, nhưng khi cậu này xuất hiện thì đương nhiên nó là trưởng nam. Cái khó nhất của tôi bây giờ khi về là nhớ hết tên em rể, dâu và các cháu...
(Còn nữa)